Tác động đấu giá đất cao bất thường tới sốt đất: 20 tỉnh thành có báo cáo
Kinh doanh - Ngày đăng : 22:07, 21/01/2022
Thông tin tại cuộc họp báo do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 21/1, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho nhiều bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cụ thể tác động của vụ đấu giá đất cao bất thường đến thị trường.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá cụ thể giá đất thay đổi thế nào sau hàng loạt vụ đấu giá đất tại các địa phương, trong đó có vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm gây xôn xao dư luận vừa qua.
"Đến nay, có hơn 20 tỉnh, thành phố đã gửi báo cáo về Bộ Xây dựng, các tỉnh còn lại đang tiếp tục gửi báo cáo. Từ báo cáo của địa phương gửi về, Bộ Xây dựng đang tập hợp để báo cáo Thủ tướng", ông Khởi cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Khởi, đấu giá đất chỉ là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá đất. Bởi thị trường nhà đất bị tác động thông qua hoạt động giao dịch, nguồn cung, các dự án phát triển hạ tầng... "Do vậy nếu muốn làm rõ tác động của việc này, cần đánh giá kỹ lưỡng, bài bản", ông Khởi nhấn mạnh.
Nhận định về tác động của sốt đất đến giá nhà đất, đặc biệt là các chương trình phát triển nhà ở thương mại giá thấp, ông Khởi cho hay, theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, giá nhà trên thị trường có tăng so với thời điểm năm 2018 - 2019.
Cụ thể, giá căn hộ nhà ở cao cấp tăng 0,5%, giá nhà ở, căn hộ trung cấp tăng 2-3%, đất nền tăng 3-5%, cá biệt một số nơi như TPHCM và các địa phương có hoạt động tách, nhập đơn vị hành chính, hoàn thiện hạ tầng, giá nhà đất tăng trên 10%. Trong đó, riêng giá thuê đất khu công nghiệp ghi nhận tăng mạnh 10-20% tại nhiều địa phương.
Theo ông Khởi, so với 2 năm trước, giá nhà đất có tăng nhưng đây là xu hướng chung khi trong 2 năm 2019 - 2020 nguồn cung hạn chế, nhiều dự án chưa hoàn thành sản phẩm, chưa bán hàng, trong khi nhu cầu vẫn tăng.
Để tăng cơ hội tiếp cận nhà cho người dân, ông Khởi cho biết Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp để giúp các đối tượng không tiếp cận được nhà ở xã hội có thể tiếp cận nhà ở. Cơ chế này sẽ được Bộ Xây dựng lồng ghép vào nội dung sửa Luật Nhà ở thời gian tới.
Về giải pháp kiểm soát giá nhà đất, Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai hàng loạt giải pháp như kiểm soát chặt về tài chính, tín dụng, đồng thời thúc đẩy tăng nguồn cung nhà ở xã hội và quản chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản.