Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa sạch tay, ở nhà thoáng gió là biện pháp quen thuộc, hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm Omicron.
Đã hai tháng kể từ khi Omicron (hay B.1.1.529) được phát hiện. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron vào nhóm các biến chủng đáng quan ngại chỉ sau một tuần phát hiện (26/11/2021).
Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã xuất hiện ca lây nhiễm biến chủng Omicron ngoài cộng đồng. Nhiều nghiên cứu cho rằng độc lực của biến chủng này không đáng lo bằng Delta, song, không có nghĩa vì thế chúng ta được phép chủ quan.
Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy Omicron gây bệnh nặng hơn biến chủng Delta. Ảnh: Times of India.
Vaccine có hiệu quả với biến chủng mới?
Đây là câu hỏi mà các hãng dược lẫn giới chuyên gia đang đau đầu tìm kiếm đáp án.
Các vaccine Covid-19 hiện tại hoạt động bằng cách huấn luyện hệ miễn dịch nhận ra protein đột biến trên bề mặt virus, từ đó sản xuất kháng thể bảo vệ và tế bào T. Nếu protein đột biến trong biến chủng mới khác so với thiết kế của vaccine, khả năng bảo vệ có thể bị suy giảm.
WHO đang làm việc với các chuyên gia để tìm hiểu tác động tiềm tàng của Omicron với những biện pháp đối phó hiện có như vaccine. Vaccine Covid-19 được xem là rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong. Theo kết quả hiện tại, các vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả với biến chủng Omicron.
Làm gì để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm Omicron?
Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người khác khỏi Omicron hoặc bất kỳ biến chủng mới nào là tiêm phòng đầy đủ. Tại nhiều nước, mũi 3 là liều tăng cường cần thiết giúp tăng hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm Omicron.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng có những hướng dẫn về tiêm liều bổ sung và nhiều nhắc lại.
Với liều bổ sung, những người được tiêm là từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…
Loại vaccine tiêm liều bổ sung phải cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA. Khoảng cách tiêm một mũi bổ sung là ít nhất 28 ngày sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Với liều tiêm nhắc lại, những người được tiêm là từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine, người dân sẽ được tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau, mũi nhắc lại sẽ là vaccine mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm, người dân có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (Astrazeneca). Mũi nhắc lại được tiêm cách mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc bổ sung ít nhất 6 tháng.
Bên cạnh tiêm vaccine, tương tự những chiến lược đã ứng phó với Delta, bạn luôn phải giữa khoảng cách an toàn, sẵn sàng làm việc từ xa; đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên; súc rửa mũi và họng hàng ngày; nâng cao sức đề kháng, giữ vệ sinh nhà cửa, đảm bảo thông gió tốt trong nhà…
Các biện pháp phòng dịch không chỉ giảm cơ hội nhiễm virus của bạn, nó còn giúp giảm khả năng lây truyền nCoV cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương, tử vong.