"Đừng im lặng mà hãy lắng nghe tiếng kêu, tiếng khóc âm thầm của trẻ em"

Xã hội - Ngày đăng : 16:40, 21/01/2022

Đây là thông điệp 4 diễn giả tham gia cuộc tọa đàm "Bạo hành trẻ em: Vấn nạn nóng cần chung tay xóa bỏ" do báo điện tử tổ chức chiều 21/1/2022.

Cuộc tọa đàm "Bạo hành trẻ em: Vấn nạn "nóng" cần chung tay xóa bỏ" diễn ra 14h chiều ngày 21/1/2022 có sự tham gia của 4 vị khách mời đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và chuyên gia trong nước, quốc tế về quyền trẻ em, phát triển xã hội. Cụ thể, đó là:

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bà Hoàng Lê Thủy - Cán bộ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111)

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS)

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef).

Đừng im lặng mà hãy lắng nghe tiếng kêu, tiếng khóc âm thầm của trẻ em - 1

4 vị khách mời tham gia cuộc tọa đàm là từ cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em.

Báo điện tử Dân trí quyết định tổ chức cuộc tọa đàm trong bối cảnh, vụ bạo hành bé gái 8 tuổi khiến nạn nhân tử vong ở TPHCM chưa kịp lắng xuống thì 2 ngày nay, dư luận thêm bàng hoàng về chuyện cô bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị đóng đinh vào đầu, hiện đang nguy kịch. Nghi phạm gây ra hành vi tàn độc khó tưởng tượng này là người tình của mẹ em.

Mô-típ trẻ bị bạo hành bởi "bố hờ", "mẹ ghẻ" một lần nữa lặp lại. Những đứa trẻ đáng thương, không có khả năng tự vệ, vừa chịu sang chấn khi bố mẹ vừa ly hôn, gia đình đổ vỡ, anh chị em "tan đàn xẻ nghé", lại đối mặt với hiểm nguy khi sống cùng người tình của bố mẹ.

Đau lòng là những vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng như vậy không phải là chuyện hi hữu mà đã từng nhiều lần xảy ra, khiến dư luận bàng hoàng nhưng cũng lại nhanh chóng trôi qua, chìm đi, bị quên lãng cho đến khi một vụ việc khác, mức độ chấn động thậm chí còn cao hơn, lại nổ ra.

Thống kê về vấn nạn bạo hành trẻ em từ Bộ Công an cho thấy, trong năm 2020 có 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), trong 6 tháng đã hỗ trợ, can thiệp sâu 706 ca, trong đó có 362 ca bạo lực. Trong năm 2021, tình trạng bạo hành trẻ em thậm chí có xu hướng gia tăng mạnh, do tác động của đại dịch Covid-19. Đáng nói, gần 80% trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình, người gây ra bạo lực nhiều nhất với các em chính là những người thân.

Vấn đề bộc lộ qua các vụ bạo hành nghiêm trọng, khiến trẻ đối mặt nguy cơ bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng khiến mỗi người phải day dứt là, vì sao hệ thống quy định pháp luật, thiết chế bảo vệ trẻ em rất đầy đủ mà nạn bạo hành trẻ em vẫn khó đẩy lùi. Làn sóng kêu gọi "đừng im lặng", cả xã hội chung tay phòng chống bạo lực trẻ em đang lan rộng, sau liên tiếp những vụ việc có tính chất thức tỉnh mỗi người phải hành động để xóa vấn nạn nhức nhối này.

Tại cuộc tọa đàm diễn ra hôm nay, các vị khách mời sẽ cùng giải đáp những vấn đề "nóng" đặt ra.

Kính mời Quý độc giả của báo điện tử Dân trí tham gia đặt câu hỏi và theo dõi cuộc tọa đàm trên báo điện tử Dân trí vào 14h chiều nay, 21/1/2022.

Thái Anh