Minh Béo có tiền án ấu dâm nhận huy chương: Dư luận chưa thể tha thứ!
Showbiz - Ngày đăng : 13:57, 21/01/2022
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hành vi của Minh Béo trước đây là rất nghiêm trọng, công chúng vẫn chưa thể nguôi ngoai, tha thứ đặc biệt gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận.
Hành vi trước đây của Minh Béo rất nghiêm trọng, công chúng chưa thể tha thứ!
Mới đây, vụ việc Minh Béo được trao huy chương bạc Liên hoan Kịch nói khiến khán giả phản ứng dữ dội. Đông đảo công chúng chỉ trích, lên án Minh Béo khi người này từng phạm tội ấu dâm tại Mỹ có thể hoạt động nghệ thuật trở lại và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải thưởng. Quan điểm của ông như thế nào?
Việc trao giải cho Minh Béo trong chương trình Liên hoan Kịch nói có thể không sai so với quy định của pháp luật, với thể lệ cuộc thi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hành động này cần phải cân nhắc để tránh tạo ra phản ứng tiêu cực cho dư luận.
Lâu nay, chúng ta luôn có triết lý là "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Chúng ta cũng luôn muốn tạo cơ hội cho các nghệ sỹ để họ cống hiến cho công chúng, cho nghệ thuật bằng tài năng của mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong vụ việc Minh Béo cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố thời điểm, tình cảm, việc tác động ảnh hưởng đến dư luận trước khi quyết định trao giải thưởng.
Nhất là khi giải thưởng nào cũng là sự tôn vinh, mà tôn vinh cả trong trường hợp chỉ liên quan đến công việc, nghề nghiệp lại dễ tạo thương hiệu cho nghệ sỹ, khiến họ nhận được nhiều sự quan tâm hơn của công chúng, ảnh hưởng nhiều hơn đến công chúng.
Hành vi của Minh Béo trước đây là rất nghiêm trọng, công chúng vẫn chưa thể nguôi ngoai, tha thứ. Đặc biệt nạn ấu dâm vẫn là một nhức nhối trong xã hội, và gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận, từ vụ cháu bé 8 tuổi bị mẹ kế đánh đập đến chết, đến vụ việc thương tâm cháu bé 3 tuổi bị cắm đinh vào đầu… thì việc trao huy chương cho một nghệ sỹ từng phạm tội ấu dâm với trẻ em là chưa phù hợp.
Việc dư luận phản ứng trái chiều không phải là không có cơ sở. Tôi nghĩ, qua vụ việc này Bộ Văn hóa cũng sẽ có những bài học cụ thể, cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước các quyết định của mình để tạo được hiệu ứng dư luận tích cực hơn.
Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta vừa tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa, làm sao để văn hóa "soi đường quốc dân đi", văn hóa là nền tảng, động lực của sự phát triển xã hội.
Nhiều người cho rằng văn hóa, nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, chúng ta cũng vừa tổ chức hội nghị văn hóa trong đó có vấn đề quan trọng là nâng cao đạo đức làm nghề của các nghệ sỹ. Với việc trao danh hiệu cho một nghệ sỹ từng có tội ấu dâm như Minh Béo, ông có lo ngại việc sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các nghệ sỹ và công chúng?
Nghệ sỹ làm nghệ thuật là một nghề đặc biệt, địa vị xã hội của họ cũng rất đặc biệt. Họ là người của công chúng. Mọi thói quen, lối sống, đạo đức của họ đều có thể ảnh hưởng đến số đông người. Chúng ta luôn mong muốn họ trở thành tấm gương tốt, tấm gương không chỉ ở lĩnh vực họ theo đuổi mà còn ở chính đạo đức của họ.
Chính vì sự kỳ vọng quá lớn vào nghệ sỹ nên công chúng luôn có sự đánh giá khắt khe về đời tư của nghệ sỹ.
Ở nhiều nước trên thế giới, nghệ sỹ vi phạm đạo đức có thể bị "phong sát" mất hết sự nghiệp. Ở Việt Nam chưa đến mức quá cứng rắn như vậy.
Chúng ta vẫn rất coi trọng tài năng, sức ảnh hưởng, lan tỏa của người nghệ sỹ, vẫn tạo điều kiện để người nghệ sỹ quay lại với nghề nghiệp, cống hiến tài năng cho nghệ thuật.
Tuy nhiên, với trường hợp Minh Béo, tôi cho rằng sự trở lại này cũng cần có thời gian thử thách để người nghệ sỹ thể hiện sự ăn năn hối lỗi cầu thị của mình. Ngoài ra, công chúng cũng cần thời gian để tha thứ, chấp nhận sự trở lại của người nghệ sỹ đó. Việc đồng ý cho nghệ sỹ có những vi phạm nghiêm trọng trở lại làm nghề quá sớm đặc biệt trong một lĩnh vực đặc thù như văn hóa - nghệ thuật dễ tạo phản ứng cho dư luận.
Tôi cho rằng các nhà quản lý văn hóa cũng cần phải ghi nhận những ý kiến trái chiều của công chúng đối với vụ việc Minh Béo để có sự điều chỉnh phù hợp hơn.
Tranh cãi, phản ứng tiêu cực với giải thưởng của Minh Béo lần này là có lý do, cơ sở chứ không phải chỉ là định kiến yêu ghét một người nghệ sỹ như bình thường.
Nghệ sỹ vi phạm đạo đức cần cấm biểu diễn
Năm 2017, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM từng đưa ra khuyến cáo Minh Béo không nên tham gia hoạt động biểu diễn để tránh làm xấu môi trường nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người này vẫn tham gia nhiều show diễn, chương trình ca nhạc trên cả nước. Theo ông, nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vướng ồn ào về đời tư có cần bị cấm hoạt động một thời gian thậm chí là vĩnh viễn để họ hiểu hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội? Khi họ chính là những người được xem là đại sứ văn hóa, truyền bá lan tỏa những điều nhân văn, nhân ái đến với xã hội?
Với trường hợp Minh Béo, thực tế năm 2017 khi người này bị xử lý vì tội ấu dâm ở Mỹ, các cơ quan quản lý cũng đã có những biện pháp xử lý nghiêm khắc như: đình chỉ biểu diễn theo quy định. Cho đến nay, hành vi của Minh Béo vẫn chưa được công chúng tha thứ, nguôi ngoai nên mới dẫn đến những phản ứng như vừa rồi.
Trong bối cảnh hàng loạt các vụ bạo hành trẻ nhỏ gây phẫn nộ, chúng ta cũng đang rất cố gắng tạo ra môi trường tốt lành để phát triển toàn diện cho các cháu nhỏ thì lại xảy ra vụ việc lần này. Rõ ràng, Bộ Văn hóa đã chưa lường trước được sự phản ứng của dư luận.
Việc cấm diễn một thời gian thậm chí là cấm vĩnh viễn đối với các nghệ sỹ có sự vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật là điều có lẽ phải nghiêm túc xem xét. Thời gian qua, môi trường nghệ thuật cũng đã có rất nhiều lùm xùm, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận từ đời tư của nghệ sỹ, từ thiện, phát ngôn hay nghệ sỹ vi phạm pháp luật.
Nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc phát triển, định hướng mỗi cá nhân. Nó không đơn thuần chỉ là giải trí, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò của người nghệ sỹ trong việc phát triển văn hóa của đất nước.
Tôi nghĩ ít nhất với những nghệ sỹ vi phạm cũng phải có quyết định dừng một thời gian để họ thể hiện sự cầu thị với những lỗi lầm của mình, thậm chí trong những sai lầm nghiêm trọng là phải cấm hoàn toàn tham gia nghệ thuật. Làm như vậy chúng ta không chỉ xử phạt một hành vi mà còn lan tỏa, là bài học làm gương cho tất cả các nghệ sỹ, trả lại môi trường làm nghề trong sạch.
Việt Nam nên có chế tài "phong sát" nghệ sỹ như các nước?
Trong khi các nước khu vực mạnh tay với các nghệ sĩ gặp lùm xùm về đạo đức thì tại Việt Nam hầu như chưa có nghệ sĩ nào bị "tuýt còi" dù có không ít scandal nghiêm trọng. Theo ông, phải chăng việc quản lý văn hóa của chúng ta vẫn còn lỏng lẻo?
Thực ra, chúng ta cũng có những quy định chế tài như không cho các nghệ sỹ biểu diễn nếu có những vi phạm tuy nhiên điều này mới chỉ dừng ở phạm vi, quy mô nhỏ. Ví dụ như: Đài truyền hình không cho phép các nghệ sỹ vi phạm đạo đức biểu diễn trên đài của họ, hay các địa phương cũng có những biện pháp cấm tương tự. Tuy nhiên mức độ cấm mới trong phạm vi nhỏ, chúng ta cần phải có những hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm làm trong sạch môi trường nghệ thuật.
Vừa rồi, Bộ Văn hóa cũng đã xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử với các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đây là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần có nhiều giải pháp cụ thể hơn. Bộ quy tắc cũng chỉ mang tính khuyến cáo về mặt nhận thức chứ không phải là chế tài xử lý. Chúng ta phải xây dựng được Luật nghệ thuật biểu diễn để có hình thức chế tài xử lý nghiêm khắc với nghệ sỹ vi phạm.
Bên cạnh đó cũng cần có những hành động tuyên truyền, xử phạt làm gương tạo ra sự răn đe thay đổi nhận thức, hành vi của nghệ sỹ.
Nên chăng Việt Nam cũng cần có chế tài "phong sát" như Trung Quốc, Hàn Quốc, thưa ông?
Văn hóa Việt Nam khác với các nước, chúng ta cũng không thể áp dụng các biện pháp giống như của các nước vào nước mình. Hơn nữa, lâu nay, chúng ta vẫn tạo cơ hội cho các nghệ sỹ biết ăn năn, hối cải quay trở lại làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho công chúng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thời gian tới cũng cần có những chế tài mạnh mẽ hơn để chúng ta có sức răn đe với nghệ sỹ. Việc phong sát trong một thời gian nhất định với những nghệ sỹ có vi phạm, tạo ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội có lẽ là cần thiết. Trường hợp của Minh Béo cũng tương tự như thế.
Có những vi phạm có thể cấm biểu diễn 5-6 năm nhưng cũng có những vi phạm nghiêm trọng thì thời gian cấm có thể lâu hơn. Những quy định này cần có nghiên cứu, sự xem xét cụ thể để tránh tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận như vừa qua.