'Xét nghiệm PCR có thể phát hiện biến thể Omicron'
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:44, 21/01/2022
Chia sẻ với VietNamNet, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân, chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM, Hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) cho biết, để xác định người mắc Covid-19 nhiễm biến thể Omicron hay Delta, hiện nay phải thực hiện giải trình tự gene.
TP.HCM có 2 cơ sở là Viện Pasteur và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, được giao nhiệm vụ thực hiện giải trình tự gene giám sát các biến thể.
Các ca nhiễm Omicron tại TP.HCM được cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 12. |
Tuy nhiên, TS Phạm Hùng Vân cho rằng, kỹ thuật xét nghiệm Real-time PCR hoàn toàn có thể xác định được biến thể của SARS-CoV-2 thay vì chờ đợi giải trình tự gene, điều kiện đi kèm là phải có một thiết kế real-time PCR phù hợp.
“Kỹ thuật giải trình tự gene sẽ tìm được hết tất cả trên 32 đột biến của Omicron trên gen S. Còn real-time PCR thì chỉ cần tìm được một số đột biến đặc trưng của biến thể Omicron mà không có trên biến thể khác. Như vậy là đủ để phát hiện biến thể này qua xét nghiệm PCR tại các phòng xét nghiệm”, TS Phạm Hùng Vân chia sẻ.
Theo TS Vân, việc áp dụng real-time PCR sẽ có lợi thế tốt hơn với giải trình tự gene để tìm Omicron. Lý do là, PCR có thể ứng dụng ngay tại các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận, vì vậy sàng lọc mà không bỏ sót các ca nhiễm biến thể Omicron. Sau đó có thể giải trình tự gene để có kết quả toàn bộ và chính xác hơn.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện xét nghiệm real-time PCR chỉ mất gần 2 giờ, với 45 phút tách chiết, 70 phút chạy máy. PCR hiện nay giá thành rẻ, trên 300.000 đồng/test, trong khi đó giải trình gene rất tốn tiền và mất nhiều thời gian.
“Tuy nhiên, những xét nghiệm PCR hiện nay chưa phát hiện được Omicron. Chúng ta cần thiết kế những cặp mồi và đoạn dò để phát hiện điểm đột biến đặc trưng của Omicron”, TS Vân chia sẻ.
Điều này rất có lợi về mặt thời gian, giúp ngành y tế phát hiện ngay khi người nhiễm biến thể vừa nhập cảnh và xét nghiệm dương tính.
Xét nghiệm RT-PCR được thực hiện tại các phòng thí nghiệm do Bộ Y tế công nhận. |
Hiện tại, TP.HCM áp dụng quy trình lấy mẫu người nhập cảnh test nhanh ngay tại sân bay. Nếu kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ gửi mẫu đi giải trình tự gene và chờ kết quả sau khoảng 48 giờ.
“Nếu có một thiết kế PCR phù hợp phát hiện các đột biến đặc trưng của Omicron thì mọi chuyện nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều. Việc này không hề khó khăn và cũng không mất thời gian”, TS Vân chia sẻ.
Trước đó, 3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng tại TP.HCM được phát hiện nhờ sự cảnh giác của các kỹ thuật viên Phòng xét nghiệm Sinh học phân tử Bệnh viện 30/4, Bộ Công an.
Cụ thể, vào ngày 15/1, Bệnh viện 30/4 nhận được một số mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm PCR trên các bệnh nhân có kết quả dương tính với Sars-CoV-2.
Kết quả xét nghiệm PCR Sars-CoV-2 bằng qui trình TapPath (Thermal Fisher Scientifie) tại Bệnh viện 30/4 phát hiện gene S bất thường, trong khi PCR các gene mục tiêu khác cho kết quả bình thường. Chính điều này đã gây sự chú ý của các kỹ thuật viên tại phòng xét nghiệm PCR của Bệnh viện 30/4.
Ngày 16/1 các mẫu xét nghiệm được gửi tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford để thực hiện giải trình tự gene. Chiều ngày 18/1, kết quả thu được 3 bộ gene từ 3 mẫu bệnh phẩm mang đi giải mã định danh bằng phần mềm chuyên dụng cho thấy cả 3 bộ gene này thuộc biến chủng Omicron ( BA.1).
Theo TS Phạm Hùng Vân, việc phát hiện các biến thể Omicron hiện nay mang ý nghĩa khoa học và không thay đổi chiến lược chống dịch, vì lúc này, đã xác định sống chung với virus SARS-CoV-2.
Lấy mẫu xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Công tác giải trình tự gene virus giúp các nhà khoa học hiểu thêm về tiến hoá của SARS-CoV-2 theo thời gian, xác định mối liên quan về dịch tễ giữa các ổ dịch, cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến thể SARS-CoV-2.
Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện giải mã gene với F0 là người nhập cảnh, F0 trong cộng đồng nếu có các dấu hiệu bất thường để giám sát Omicron (khu vực có người nhập cảnh nhiều, tử vong cao).
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, việc biết được chủng virus nào đang lưu hành là một câu hỏi quan trọng để đối phó với mọi tác nhân gây dịch bệnh, không chỉ Covid-19.
"Ví dụ, với bệnh cúm, hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới và CDC Mỹ đều giám sát loại biến thể chiếm ưu thế, cung cấp công thức để các công ty bào chế vắc xin. Đối với Covid-19, có lẽ sau này cũng sẽ điều chỉnh vắc xin theo biến thể mới", TS Châu cho hay.
Phó giám đốc Sở Y tế TP khẳng định, giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 được xem là công cụ không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch Covid-19.