Tại sao nhiều người tiếp xúc với F0 không mang khẩu trang nhiều lần nhưng vẫn âm tính
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 13:45, 21/01/2022
30 lần trở thành F1
Một ngày đầu tháng 1, chị Minh Anh (sinh năm 1985), phường Phú Hữu, TP Thủ Đức TP.HCM nhận tin nhắn của gia đình hàng xóm: “Kết quả test nhanh của em, chồng và hai con dương tính rồi chị nhé. Cả nhà mình thử xét nghiệm xem sao nhé”.
Nhà đã chuẩn bị sẵn que test nhanh, vợ chồng chị Minh Anh cùng con gái 5 tuổi tự làm xét nghiệm. Que test của cả 3 người trong gia đình chị đều một vạch. Dù vậy, chị vẫn nấu nước cho cả nhà xông, súc họng bằng nước muối tự pha, mua thêm thực phẩm dự trữ để chuẩn bị sẵn tâm lý cả nhà là F0 cách ly tại nhà.
“Từ khi TP bắt đầu bùng đợt dịch lần thứ tư, đây là lần thứ 30 tôi trở thành F1”, chị Minh Anh chia sẻ. Chị kể, những lần trước chị tiếp xúc với F0 khi đi mua thực phẩm, ở nơi làm việc, nơi công cộng, nhưng đều mang khẩu trang và đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Chị Minh Anh làm việc cho một cơ quan truyền thông ở TP.HCM. Những ngày TP thực hiện cách ly xã hội tăng cường, chị phải đến khu dân cư, bệnh viện… để làm việc. Đã tiêm đủ hai mũi vắc xin và thực hiện nghiêm 5K, các quy định phòng trách dịch, ăn uống đầy đủ nên chị không nhiễm bệnh.
“Thót tim” nhất là hai lần tiếp xúc với F0 là hàng xóm. Trước đó, cả hai người họ bị đau đầu, mệt mỏi, khan tiếng nhưng không nghĩ mình nhiễm bệnh và không biết tiếp xúc với F0 nào. “Gia đình tôi và mấy nhà hàng xóm chơi với nhau rất thân nên thường ăn uống với nhau, qua nhà nhau chơi. Khi tiếp xúc, chúng tôi không mang khẩu trang”, chị Minh Anh chia sẻ. Chị cũng ngạc nhiên khi tiếp xúc gần với F0, không mang khẩu trang nhưng cả hai lần cả nhà đều âm tính.
Anh Hưng (sinh năm 1984) là kỹ sư xây dựng tại một công ty ở quận Tân Bình. Anh cho biết, từ khi công trình hoạt động trở lại sau khi TP trở lại trạng thái bình thường mới, nơi anh làm việc liên tục có người bị F0. Là quản lý ở công trình, anh Hưng phải tiếp xúc nhiều với họ. “Cả công trình, từ kỹ sư đến công nhân đều nhiễm virus SARS-COV-2. Hầu như ngày nào cũng có người dương tính, nhưng tôi thì không”, anh Hưng chia sẻ.
Anh Hưng cho biết, trước đó có ba lần ăn, ngủ, nói chuyện, uống cà phê với F0 không mang khẩu trang, nhưng lần nào xét nghiệm cũng âm tính. Câu hỏi anh đặt ra, tại mình lại không nhiễm bệnh khi đang làm việc trong môi trường nguy cơ cao. Có lúc, anh Hưng nghĩ, có khi mình đã nhiễm bệnh và tự khỏi mà không biết. Dù vậy, anh vẫn tự bảo vệ bản thân mình trước virus SARS-COV-2 bằng cách xúc họng thường xuyên, ăn uống đủ chất, thực hiện 5K và các quy định về phòng tránh dịch.
Ở chung với F0, xét nghiệm âm tính là bình thường
Chia sẻ trên Zing, GS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết theo nguyên cứu vắc xin có hiệu lực bảo vệ 90%, nghĩa là trong 100 người cùng tiếp xúc, 90 người không mắc bệnh, 10 người còn lại mắc bệnh.
Tương tự, hiệu lực bảo vệ 60% nghĩa là cùng tiếp xúc như thế với 100 người nhưng có 40 người mắc bệnh. Vị chuyên gia phân tích, ở người tiêm đủ liều vắc xin, cơ thể đã có miễn dịch chống lại virus. “Những người tiếp xúc với F0 nhưng có miễn dịch tốt, họ không bị nhiễm là chuyện bình thường”, ông Dũng chia sẻ.
Chia sẻ với VnExress, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, việc nhiều người tiếp xúc với F0 không mang khẩu trang nhưng xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính thường có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, người âm tính có thể đã bị bệnh từ trước, rồi lây cho người khác, sau đó khỏi bệnh. Tức là, người này nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng và tự khỏi. Khi đã khỏi bệnh thì test nhanh không thể ra kết quả dương tính.
Thứ hai là do họ đã tiêm vắc xin đầy đủ. Theo bác sĩ Khanh, người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, trong cơ thể đã có lượng kháng thể nhất định. Khi tiếp xúc với F0 (người này cũng đã tiêm đủ 2 mũi) thì có thể không bị lây nhiễm. Bởi theo nghiên cứu người tiêm đủ vắc xin khi là F0 thường phát tán tán ít virus hơn người chưa tiêm.
Đồng tình với các ý kiến trên, bà Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng cho rằng, việc ở chung với F0 xét nghiệm âm tính là chuyện bình thường. Ngưỡng chống chọi với bệnh tật của mỗi con người khác nhau, khả năng lây nhiễm cũng khác với bất kỳ một bệnh nhiễm trùng nào cũng vậy.
Về bệnh học, việc một người bị lây nhiễm hay không phụ thuộc vào các yếu tố như: Thời gian tiếp xúc với F0 nhiều hay ít; nồng độ virus xâm nhập vào cơ thể cao hay thấp và khả năng miễn dịch tại chỗ của người đó ở mức độ nào…
Các chuyên gia y tế cho rằng, việc lây nhiễm nCoV phụ thuộc vào mức độ (gần hay xa), thời gian, không gian tiếp xúc (thông thoáng hay phòng kín), người tiếp xúc có đeo khẩu trang hay không. "Không phải cứ tiếp xúc F0 là sẽ bị nhiễm. Bản thân bạn chưa mắc bệnh là nhờ vắc xin và 5K tốt", một chuyên gia y tế chia sẻ.