Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh, ngân hàng tuyên bố 'hết cửa' giảm lãi vay

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 06:54, 21/01/2022

Gần Tết Nguyên đán Nhâm dần, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền gửi áp do lực thanh khoản cao điểm cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch cho vay của năm 2022. Lãi suất cho vay không có cơ hội giảm.

Lãi tiết kiệm lại tăng

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa quyết định tăng lãi suất huy động từ 0,15-0,9 điểm %/năm với nhiều kỳ hạn. Cụ thể, với tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng tăng 0,15-0,25 điểm %/năm, phổ biến ở mức từ 2,7-3,3%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng thường được hưởng lãi suất quanh mức 4,6-5%/năm, còn khách hàng ưu tiên được hưởng lãi suất 4,7-5,1%/năm. So với tháng 12/2021, biểu lãi suất này đã tăng tới 0,6-0,9 điểm %/năm.

Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất dao động trong khoảng 4,9-5,3%/năm, cao hơn mức 4,6-4,8%/năm của tháng 12/2021. Kỳ hạn 36 tháng thêm từ 0,3-0,4 điểm %/năm, lên 5,2-5,4%/năm, tùy theo khách hàng trên hay dưới 50 tuổi.

Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh, ngân hàng tuyên bố 'hết cửa' giảm lãi vay
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng.

Trong khi đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) áp dụng lãi suất 11,6%/năm đối với tháng gửi đầu tiên trong kỳ hạn 15 tháng, cao hơn mức cũ 1 điểm %/năm. Sau 1 tháng, lãi suất tiết kiệm sẽ còn 5,8%/năm. Tính ra, lãi suất bình quân là 6,18%/năm. Khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 300 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng mức lãi này.

Đối với khoản tiết kiệm dưới 300 triệu đồng, lãi suất tiết kiệm tháng đầu tiên của kỳ hạn 15 tháng là 11,2%/năm, tháng sau là 5,6%/năm. Tính ra, lãi suất bình quân là 5,97%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 10-10,6%/năm tháng đầu tiên, tháng sau giảm còn 5-5,3%/năm... Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất của VPBank là 6,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng với các khoản gửi trên 50 tỷ đồng, cao hơn 0,9 điểm %/năm so với tháng trước.

Nếu chọn gửi tiết kiệm qua kênh online, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn từ 0,2-0,3 điểm %/năm so với gửi tại quầy.

Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng từ đầu tháng 1/2022 tăng 0,2-0,3 điểm %/năm nhiều kỳ hạn so với tháng 12/2021. Trong đó, các kỳ hạn từ 1-3 tháng phổ biến tăng thêm 0,2 điểm %/năm, dao động quanh mức 3,3-3,6%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,3 điểm %/năm, ở mức 4,6-4,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,8%/năm, tăng so với mức 5,5%/năm của tháng trước.

Lãi suất cao nhất của Sacombank là 6,3%/năm với kỳ hạn 36 tháng trở lên. Sacombank cũng áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao hơn 0,2 điểm %/năm nếu khách hàng chọn trực tuyến.

Trong tháng 1/2022 cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank), Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB)... với mức tăng từ 0,1-0,5 điểm %/năm so với tháng trước.

Lãi vay hết cửa giảm

Theo đánh giá của giới chuyên môn, các ngân hàng tăng lãi suất huy động vào thời điểm gần Tết âm lịch là phù hợp với diễn biến thị trường. Nhu cầu về vay vốn cuối năm tăng cao, cùng với đó, các ngân hàng đều phải tăng thu hút dòng tiền để chuẩn bị cho kế hoạch cho vay của cả năm. Do lãi suất huy động giảm thấp nên dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường bất động sản, chứng khoán,... thì việc tăng lãi suất huy động để hút vốn là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, áp lực lạm phát cũng là lý do đẩy lãi suất huy động tăng. Nhập khẩu lạm phát trong năm 2021 đang làm tăng chi phí sản xuất, sẽ gây áp lực đối với thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong năm nay. Hơn nữa, gói hỗ trợ từ Chính phủ lên tới gần 350.000 tỷ đồng, cũng có nguy cơ gây hiệu ứng phụ, được đề cập nhiều nhất đó là lạm phát.

Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh, ngân hàng tuyên bố 'hết cửa' giảm lãi vay
DN đang khó khăn lại lo lãi vay tăng.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 0,2 -0,25 điểm %/năm tại các ngân hàng lớn. Năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%, nhưng áp lực tăng giá chi phí đầu vào là một thách thức lớn.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ tăng nhẹ quanh ngưỡng 0,25-0,5 điểm %/năm, đặc biệt là vào nửa cuối năm. Còn Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %/năm trong năm nay.

Nhiều DN tỏ ra lo ngại, lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh tăng theo. Giám đốc một DN cho biết, trong giai đoạn mới phục hồi, có rất nhiều khó khăn, do vậy cần vốn với mặt bằng lãi suất thấp để thúc đẩy kinh doanh trở lại. Nếu lãi suất tăng, DN lại chồng thêm khó khăn.

Các ngân hàng thì cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn. Hiện chỉ có hai giải pháp để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, đó là tiết giảm chi phí hoạt động và nâng chất lượng danh mục tài sản để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của các ngân hàng đã ở mức tối thiểu sau nhiều lần cắt giảm trong hai năm qua, trong khi đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng. Dự địa càng hẹp hơn khi lạm phát đang có xu hướng tăng.

Với các DN, lý lẽ trên của ngân hàng thiếu thuyết phục. Có DN cho hay đang gánh chịu lãi suất vay khá cao, chênh lệch lớn so với lãi suất huy động của các ngân hàng. Không những vậy, lãi suất cho vay thường được các ngân hàng điều chỉnh tăng sau khi hết thời gian ưu đãi. Năm 2021 vừa qua, các ngân hàng có lợi nhuận lớn, là do biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay chênh lệch lớn.

Ngoài ra, do xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, nên có nhiều khách hàng giữ tiền trong tài khoản, các ngân hàng được hưởng lợi từ nguồn vốn chi phí thấp ngày càng lớn.

Vấn đề là ngân hàng luôn muốn duy trì tỷ lệ lợi nhuận cao thì khó có chuyện giảm lãi suất thực chất. Năm 2021, hàng trăm nghìn DN gặp khó khăn, nhưng các ngân hàng chỉ giảm lãi suất nhỏ giọt. Cuối năm, hàng loạt nhà băng vẫn báo “lãi khủng”, trong khi DN phải gánh lãi suất cao.

Trần Thủy