Chìm nghỉm sau 2 cú vùi dập, cổ phiếu bất động sản tăng dội ngược
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:54, 20/01/2022
Vào cuối phiên sáng 20/1, rất nhiều cổ phiếu bất động sản và xây dựng quay đầu tăng giá mạnh sau một chuỗi ngày giảm mạnh sau khi giới đầu tư trải qua 2 cú sốc: ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng xin rút, bỏ cọc lô đất vàng 2,4 tỷ/m2 ở Thủ Thiêm và chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC.
Nhiều cổ phiếu tăng trần vào buổi chiều vào kết thúc phiên giao dịch giữ được mức tăng hết biên độ cho phép sau khi giảm sàn 4-6 phiên trước đó.
Cổ phiếu Đầu tư Phát triển Xây Dựng DIG tăng trần 5.400 đồng lên 83.300 đồng/cp; Sacomreal (SCR) tăng trần thêm 1.250 đồng lên 19.250 đồng/cp; Fecon (FCN) tăng trần 1.800 đồng lên 281.00 đồng/cp; Xây dựng Hòa Bình (HBC) tăng trần thêm 2.050 đồng lên 31.550 đồng/cp; Tập đoàn C.E.O (CEO) tăng trần 5.100 đồng lên 57.000 đồng/cp; Vạn Phát Hưng (VPH) tăng trần 1.050 đồng lên 16.050 đồng/cp…
Giáp Tết, cổ phiếu bất động sản tăng bùng nổ |
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu blue-chips cũng tăng mạnh, trong đó nổi bật có nhóm ngân hàng. Ngân hàng BIDV tăng trần thêm 3.050 đồng lên 46.700 đồng/cp; Vietinbank tăng thêm 1.300 đồng lên 35.100 đồng/cp; Sacombank tăng 900 đồng lên 33.800 đồng/cp…
Sự hồi phục ấn tượng của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và cùng với sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng đã giúp chỉ số VN-Index tăng vọt thêm 22,51 điểm lên 1.465,3 điểm. Chỉ số HNX-Index và Upcom-Index cũng tăng khá mạnh.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu vẫn chưa thoát chuỗi ngày giảm sàn. Tập đoàn FLC (FLC), Xây dựng Faros (ROS), Quốc Cường Gia Lai (QCG) và CII vẫn tiếp tục giảm sàn trong phiên 20/1 và trắng bên mua. FLC ghi nhận dư bán sàn gần 20 triệu đơn vị, còn ROS dư bán sàn hơn 53 triệu.
Trước đó, sau vài phiên giảm sàn liên tục nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu bất động sản.
Phó Chủ tịch DIC Corp. ông Nguyễn Hùng Cường đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu công ty từ 21/1 đến 18/1 sau khi cổ phiếu DIC giảm 6 phiên liên tiếp, tương đương bốc hơi 35% từ mức đỉnh đỉnh 120.000 đồng/cp về 77.900 đồng/cp kết phiên 19/1. Nếu giao dịch thành công, ông Cường sẽ nâng số lượng nắm giữ từ 51,2 triệu lên 56,2 triệu đơn vị, tương đương 11,25% vốn.
VN-Index vẫn ở trong xu hướng tăng chung. |
Ông Châu Quang Phúc, Giám đốc Tài chính Nam Long, muốn mua thêm 300.000 đơn vị NLG sau khi NLG giảm từ vùng đỉnh 65.000 đồng/cp phiên 7/1 hạ về mức 49.000 đồng/cp kết phiên ngày 18/1.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hodeco (HDC) đăng ký mua vào 100.000 cổ phần HDC để tăng tỷ lệ nắm giữ lên 4,16%. Cổ phiếu này giảm 25% trong đợt nhóm cổ phiếu bất động sản giảm vừa qua.
Còn Dragon Capital đã mua xong 809.500 DXG tại phiên giảm sàn 13/1.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một đợt giảm mạnh hiếm có trong 2 năm vừa qua, với chỉ số VN-Index mất khoảng 90 điểm, từ đỉnh 1.528 ngày 7/1 xuống tới sáng 1.440 điểm.
Nhiều dự báo gần đây cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng tích cực trong năm mới 2020 cho dù sự phân hóa sẽ mạnh mẽ khi cổ phiếu đồng loạt tăng mạnh trong hơn năm qua.
Chứng khoán HSC dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.800 điểm trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố tích cực như đầu tư công tăng mạnh, tăng trưởng tín dụng, siêu chu kỳ giá hàng hoá, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh nhờ các FTAs và dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá tốt. Sau điều chỉnh giảm, thị trường có thể tăng lại vào thời điểm sau Tết.
M. Hà