Đa dạng hóa cách tiếp cận, Tổng thống Joe Biden tiếp tục 'cứng rắn' với Trung Quốc tại Biển Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:45, 20/01/2022

Bước sang năm 2022, dù đứng trước không ít khó khăn nhưng Tổng thống Joe Biden vẫn sẽ từng bước thực hiện cam kết của Mỹ nhằm duy trì một lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Mỹ và những động thái mới ở Biển Đông
Nhóm tàu sân bay của Mỹ tiến hành tập trận trên Biển Đông ngày 6/10/2019. (Nguồn: AFP)

Tài liệu phân tích pháp lý chặt chẽ

Mỹ đã khởi động năm 2022 với những động thái đáng chú ý, khi tăng cường hải quân và thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Trong một tài liệu nghiên cứu dài 47 trang gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị Trung Quốc "dừng những hành động cưỡng ép và phi pháp trên Biển Đông", đồng thời công khai chỉ trích những yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này đã "làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền ở các đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế được nêu Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS)".

Khi đề cập đến các nghĩa vụ của Trung Quốc với vai trò là một bên trong UNCLOS, tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi pháp và một số hình thức "thẩm quyền riêng" với hầu hết Biển Đông.

Phân tích pháp lý chi tiết của Bộ Ngoại giao Mỹ là tài liệu quan trọng thứ ba về vấn đề này được công bố trong thập kỷ qua. Trước đó, có tài liệu năm 2014 về những yêu sách của Trung Quốc trước cái gọi là "đường chín đoạn" được định nghĩa đầy mơ hồ, và tuyên bố chính sách năm 2020 của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Mỹ trước những diễn biến leo thang nhanh chóng ở Biển Đông.

Trong khi về lý thuyết vẫn duy trì lập trường "trung lập" trước những tranh chấp trên Biển Đông, Washington tiếp tục phản đối bất kỳ hành động cũng như tuyên bố chủ quyền quá đáng và phi pháp mà Trung Quốc đưa ra.

4 lập luận 'đanh thép'

Được soạn thảo bởi Văn phòng đặc trách Đại dương, Khoa học và Môi trường Vụ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, phân tích pháp lý mới đây của Washington với tiêu đề "Ranh giới trên Biển" đã bác bỏ những yêu sách và hành vi phi pháp của Trung Quốc trên 4 điểm quan trọng.

Thứ nhất, báo cáo đặt câu hỏi về những "yêu sách chủ quyền" của Trung Quốc với hơn 100 thực thể ở Biển Đông chìm dưới biển khi thủy triều dâng cao và nằm ngoài những giới hạn hợp pháp của lãnh hải bất kỳ quốc gia nào.

Như đã được làm rõ trong phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế tại Hague năm 2016, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Những yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế do những thực thể này không phải đối tượng để đưa ra tuyên bố chủ quyền hợp pháp cũng như không có khả năng tạo ra một khu vực trên biển như lãnh hải".

Thứ hai, báo cáo đặt câu hỏi về việc Trung Quốc vẽ "đường cơ sở thẳng" như một cách để "bao quanh các đảo, vùng biển và các thực thể chìm trong một khu vực rộng lớn trên Biển Đông" để tạo ra "các nhóm đảo" như quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV).

Yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc đã bị chỉ trích nặng nề và thậm chí bị các chuyên gia luật quốc tế độc lập bác bỏ. Theo nhận định của Bộ Ngoại giao Mỹ, không có điều khoản nào trong UNCLOS và cũng không có tập quán quốc tế riêng lẻ nào “ủng hộ lập trường của Trung Quốc khi bao quanh toàn bộ các nhóm đảo trên bằng đường cơ sở thẳng".

Thứ ba, tài liệu cũng chỉ trích những yêu sách về quyền hạn trên biển của Trung Quốc, đồng thời đánh giá những yêu sách này "không nhất quán với luật pháp quốc tế". Tài liệu chỉ ra, chẳng hạn, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền phi pháp trong khu vực 12 hải lý từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông đồng thời phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ dọc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Mặc dù vậy, UNCLOS quy định các tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua không phương hại trong khu vực 12 hải lý của quốc gia ven biển, và rộng hơn là quyền tự do hàng hải trong EEZ.

Cuối cùng, tài liệu nhắc lại lập trường của Mỹ và phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế tại Hague năm 2016 về cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về "quyền lịch sử" là "không có cơ sở pháp lý" và Bắc Kinh không đưa ra được những bằng chứng cụ thể về tự nhiên hoặc địa lý cho những tuyên bố này.

Thực hiện cam kết "bước một"

Bản phân tích pháp lý chi tiết của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2014 từng đặt câu hỏi về bản chất của yêu sách "đường chín đoạn" tham vọng và được định nghĩa đầy mơ hồ của Trung Quốc dựa trên cái gọi là "quyền lịch sử".

Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra một tuyên bố chính sách mới liên quan đến Biển Đông khi công khai đặt câu hỏi về tính hợp pháp những yêu sách của Trung Quốc.

Như vậy, lập trường của người tiền nhiệm trên Biển Đông đã được tiếp nối, khi chính quyền Tổng thống Biden chỉ trích những yêu sách của Trung Quốc và tăng cường các Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOP) nhằm kiềm chế các hành vi cưỡng ép của Bắc Kinh trong khu vực.

Trong 2 năm qua, Lầu Năm Góc đã tiến hành ít nhất 2 cuộc tập trận với sự tham gia của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trên Biển Đông. Tháng 10/2021, Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) USS Carl Vinson đã tiến hành tập trận chung với tàu sân bay mini của Nhật Bản là JS Kaga trong khu vực. Cuộc diễn tập này được cho là nhằm phản ứng trước các cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc.

Tháng trước, Trung Quốc đã tiến hành những cuộc tập trận lớn, khi triển khai tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, trong khi tàu sân bay Sơn Đông được điều tới Biển Đông.

Trong đợt triển khai lực lượng đầu tiên của Mỹ trong năm nay, tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz và tàu sân bay USS Essex lớp Wasp đã tới Biển Đông để diễn tập.

Như vậy, vào năm thứ hai của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Biden vẫn đang từng bước thực hiện cam kết của Mỹ nhằm duy trì một lập trường cứng rắn với Trung Quốc nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng, cả trên lĩnh vực pháp lý, ngoại giao và hải quân.

Vy Anh