Câu hỏi ám ảnh về vụ bé gái bị bạo hành tàn độc, bị cắm 9 đinh vào đầu
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:53, 20/01/2022
"Tôi rùng mình trước việc bé gái bị bạo hành tàn bạo, bị đóng đinh vào đầu"
Chia sẻ với PV Dân trí, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội thể hiện nỗi bức xúc xoay quanh vụ việc bé gái bị đóng đinh vào đầu, nhiều lần phải nhập viện:
"Khi đọc thông tin bé gái bị đóng 9 cái đinh vào đầu, từng nhiều lần nhập viện, cảm giác của tôi là cực kỳ kinh khủng. Thật khủng khiếp!
Mà đây không phải lần đầu tiên cháu bé bị bạo hành bởi những hình thức dã man như: bị cho uống thuốc trừ sâu, bỏ đinh ốc vào miệng, đánh gãy tay, bóp cổ, đóng đinh vào đầu…
Tôi không tưởng tượng nổi là tại sao người lớn lại hành hạ một đứa trẻ tàn nhẫn đến mức như thế? Có thể đóng những cái đinh vào đầu đứa trẻ như thế? Tôi không thể hiểu nổi, không giải thích được về mức độ tàn nhẫn đó.
Điều khiến tôi ngạc nhiên và bức xúc là ngày nay, thời buổi này, thông tin được phổ biến rộng rãi. Tại sao vẫn có những người dám làm những việc như vậy? Họ hẳn là cũng biết, đã đọc những vụ việc tội ác, những hành vi tàn độc với trẻ con. Họ biết những hành vi như vậy nếu bị phát hiện sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, tại sao họ vẫn làm?
Câu hỏi đó khiến tôi nhức nhối bao năm nay? Nhiều người không mù, không điếc hay ở vùng sâu vùng xa, thậm chí ở giữa thành phố lớn, được ăn học đàng hoàng. Tại sao họ vẫn dám làm như vậy? Câu hỏi đó ám ảnh tôi kinh khủng!
Tôi vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi đó ngoài suy nghĩ: Phải chăng những người gây ra tội ác với trẻ em họ cho rằng sẽ thoát được bàn tay của pháp luật, thoát được sự trừng trị của pháp luật" Bởi pháp luật của mình chưa đủ nghiêm, chưa đủ chặt chẽ để có thể ngăn chặn những hành vi như vậy!".
Sự thờ ơ, làm ngơ của cộng đồng khiến cháu bé có kết cục bi thảm
Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, có một thực tế là, mức độ bạo hành trẻ em một cách tàn ác cứ tăng dần, gây phẫn nộ dư luận.
"Mức độ bạo hành càng tăng bao nhiêu thì càng làm cho tôi cảm thấy bức xúc trước sự thiếu cảnh giác, thiếu quan tâm của người thân, những người xung quanh những đứa trẻ. Cháu bé kia đã mấy lần nhập viện, những người xung quanh phải đặt nghi vấn, phải đặt vấn đề, phải hành động chứ?
Họ không làm gì cả. Gia đình cũng biết những lần đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện. Ở đây, tôi muốn đề cập đến trách nhiệm của người mẹ. Mẹ cháu bé biết nhân tình hành hạ con như vậy nhưng chỉ đưa đi viện và không có bất cứ hành động nào để bảo vệ con khỏi những lần bạo hành tiếp theo.
Gia đình bên nội cũng biết mấy lần cháu phải đi viện như thế. Tại sao, không ai có động tác nào? Kể cả bác sĩ, nhân viên y tế ở bệnh viện, mấy lần cấp cứu cho cháu cũng không có cảnh báo, đưa vụ việc này lên dư luận?
Những người thân, xung quanh thiếu trách nhiệm trong vụ việc, làm ngơ để cuối cùng cháu bé có kết cục bi thảm như này.
Tôi nghĩ, vụ việc này cũng gần giống vụ bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành dẫn đến tử vong cách đây không lâu. Những người trực tiếp liên quan vụ việc sẽ bị pháp luật xử lý nhưng mà ở đây, trách nhiệm của người thân, người xung quanh, cộng đồng càng cần phải đặt ra để thảo luận, để có những điều chỉnh", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Làm sao để ngăn chặn vấn nạn bạo hành?
Không chỉ thể hiện nỗi bức xúc, đặt câu hỏi về việc bé gái bị bạo hành gây nhức nhối dư luận, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng còn đưa ra ý kiến riêng để hạn chế những vụ việc đau lòng tiếp tục tái diễn:
" Vấn đề thứ nhất là ở góc độ luật pháp: Chúng ta thấy rằng hai vụ việc trẻ bị bạo hành gần đây đều trong trường hợp bố mẹ ly hôn. Tôi nghĩ giờ phải rà soát lại luật hôn nhân và gia đình để xem luật cần phải được điều chỉnh như nào để ràng buộc hơn nữa trách nhiệm của người bố, người mẹ trong vấn đề nuôi con nhỏ.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm xã hội, tôi không nói xã hội chung chung mà những con người cụ thể, cơ quan chức năng cụ thể có liên quan đến việc chăm sóc trẻ em. Ví dụ, những trường hợp bố mẹ ly hôn mà có con nhỏ thì phải được nhận sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Có thế, chúng ta mới phát hiện sớm những trường hợp trẻ nhỏ không được chăm sóc, bị đối xử không tốt.
Các cơ quan chức năng phải trách nhiệm, khi nhận được bất cứ thông báo nào của người dân thì phải có hành động kiểm tra, thà nhầm còn hơn bỏ sót. Tôi nghĩ một trong những lý do người dân không tố cáo vì người ta thấy các cơ quan chức năng không thực sự nhiệt tình trong những việc xử lý báo cáo.
Vấn đề thứ ba, ngoài cơ quan chức năng thì cộng đồng, những người xung quanh cũng phải cần nâng cao nhận thức hơn nữa, trách nhiệm của họ, kỹ năng để phát hiện ra những vụ việc như vậy. Có bất cứ sự nghi ngờ nào, phải thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để phòng ngừa tình trạng vụ việc xảy ra tiếp theo…".
Như Dân trí đã đưa tin, ông Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất cho hay, chiều 17/1, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi - bé Đ.N.A., địa chỉ ở Canh Nậu nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật.
Đáng chú ý, sau khi các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân, tiến hành đặt ống, chụp phim đã phát hiện vật thể giống đinh ở đầu. Theo các bác sĩ, tình trạng của bệnh nhân rất nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Trước đó, bé gái từng nhiều lần phải nhập viện. Lần thì nuốt đinh vít, lần thì ngộ độc thuốc trừ sâu và gần đây nhất, bé gái nhập viện vì bị đau tai...