Vụ bé 3 tuổi bị bạo hành: Hãy dạy con các kỹ năng kêu cứu nếu bị đánh đập

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 12:38, 20/01/2022

Vụ bé gái 3 tuổi bị bạo hành: Hãy dạy con các kỹ năng kêu cứu nếu bị đánh đập

Liên quan tới vụ việc hiện tại công an huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho biết đã xác định nghi phạm chính trong vụ việc.

Theo đó, công an huyện Thạch Thất đã bàn giao đối tượng N.T.H (30 tuổi, trú huyện Thạch Thất) cho phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hà Nội để làm rõ sự việc. Theo vị này, đối tượng N.T.H là bạn trai của chị N.T.L (trú huyện Thạch Thất) - mẹ bé N.A.

Trước đó, theo chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Huyền Anh - bác dâu của bé, được biết, trước khi cấp cứu vì bị 9 chiếc đinh găm vào sọ, cháu bé đã từng 2 lần cấp cứu suýt chết, đặc biệt có lần uống thuốc sâu và phải đưa lên bệnh viện Nhi Trung Ương khẩn cấp. Thông tin này cũng được phía Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất xác nhận, đáng chú ý chỉ khoảng 2 tháng sau đó, bé tiếp tục nhập viện với dị vật trong đường tiêu hóa.

Như vậy, chỉ trong khoảng 3 tháng, bé A. nhập viện tới 3 lần.

Theo nhiều chuyên gia để hạn chế những trường hợp đáng tiếc như này, chúng ta cần dạy con những kỹ năng kêu cứu, các ký hiệu kêu cứu khi gặp nguy hiểm.

Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương - Đại học Sư phạm Hà Nội thì với các bạn lớn hơn có thể trực tiếp tìm gặp những người thân và chia sẻ việc mình đang gặp nguy hiểm và cầu cưu sự giúp đỡ.

“Với các bé thì khó hơn trong việc tìm người giúp đỡ khi gặp nguy hiểm. Tuy nhiên người thân có thể dạy con vẽ hình báo động để để kêu cứu.

Ngoài ra, ngay từ khi con hơn 1 tuổi, phụ huynh có thể dạy con không đi theo sự dụ dỗ, không nhịn nhục chịu đựng khi bị bạo hành, xâm hại, báo tin ngay khi có thể để bảo vệ bản thân.

bao-hanh1.jpeg
Bé gái trước khi bị bạo hành

Sau vụ việc bé 8 tuổi tại TP.HCM bị bạo hành đến chết rồi vụ bé 3 tuổi tại Hà Nội bị bạo hành có tới 9 vật cứng găm trong sọ, thiết nghĩ các ông bố bà mẹ nên dạy con, nhắc đi nhắc lại cho con biết về quyền của trẻ em, về cách cầu cứu với ai, nơi nào...

Ngoài ra cũng cần dạy trẻ biết cách bỏ chạy và kêu cứu vì ngoài việc lên tiếng bảo vệ, bênh vực, khuyên can người gây bạo lực thì người lớn trong gia đình cần phải dạy trẻ biết cách bỏ chạy và kêu cứu khi bị bạo lực”, chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương nói.

Bố mẹ có thể từ từ giáo dục để bản thân đứa trẻ hiểu rằng không ai được phép đánh đập, bạo hành.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương thì: “Nếu bị đánh đập, trẻ cần kể lại với một người lớn nào đó đủ tin tưởng và có khả năng bảo vệ trẻ. Đó có thể là ông bà, họ hàng, người luôn yêu thương và quan tâm đến trẻ để họ can thiệp, giúp đỡ khi có những lần khác.

Ngoài gia đình, các con cũng cần được dạy về các cách bảo vệ an toàn ở những nơi không có bố mẹ ở bên, ở trường học, trong khu nhà, ngoài công viên, các số điện thoại khẩn cấp, các cách thông tin cho người khác trợ giúp, các địa chỉ cần thiết con có thể tìm đến để được bảo vệ và giúp đỡ…”

Ngoài ra, khi phát hiện trẻ bị bạo hành thì việc người lớn nên làm là đưa ngay trẻ đến cơ quan y tế, giám định thương tật. Ổn định tinh thần và động viên trẻ, tránh để trẻ gặp hay quay trở lại môi trường đã bị bạo hành.

Nếu trẻ vẫn phải sống cùng kẻ gây bạo lực thì người lớn khác trong gia đình cần nhờ sự can thiệp của hội phụ nữ, chính quyền địa phương. Bởi lẽ, điều khiến việc lạm dụng trẻ em khó bị phát hiện và ngăn chặn là kẻ bạo hành hầu hết lại chính là người quen thuộc với nạn nhân.

Các em thường miễn cưỡng che giấu sự thật vì sợ hãi, vì không muốn tố giác người thân, ngoài ra nhiều em chưa có kỹ năng nhận diện, tố giác, kêu cứu khi bị những người trong gia đình bạo hành nên mới xảy ra những sự việc đáng tiếc thời gian qua.

MINH AN