Vì sao NATO mở rộng về phía Đông là vấn đề sống còn với Nga?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:31, 20/01/2022

VÌ SAO NATO MỞ RỘNG VỀ PHÍA ĐÔNG LÀ VẤN ĐỀ SỐNG CÒN VỚI NGA?

VÌ SAO NATO MỞ RỘNG VỀ PHÍA ĐÔNG LÀ VẤN ĐỀ SỐNG CÒN VỚI NGA?

Việc NATO mở rộng phía Đông đang đặt ra những thách thức cấp bách với Nga khi tầm ảnh hưởng của liên minh quân sự này đã lan đến cả những "vùng đệm" của Moscow.

Khi những diễn biến xung quanh biên giới Nga đang nóng lên từng ngày, cuối tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thẳng thắn tuyên bố, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng quy mô và cho phép các quốc gia Liên Xô cũ tham gia sẽ là "vấn đề sống còn" đối với Nga.

"Việc NATO mở rộng số lượng thành viên của mình sang các nước như Ukraine, hay có thể là những quốc gia từng thuộc lãnh thổ của Liên Xô, thực sự là một vấn đề sống còn đối với chúng tôi", ông Peskov nói.

Những tuyên bố này cho thấy những lo ngại của Nga khi chiến lược "Đông tiến" của NATO ngày càng rõ nét.

NATO "ĐÔNG TIẾN" VÀO SÂN SAU CỦA NGA

Vì sao NATO mở rộng về phía Đông là vấn đề sống còn với Nga? - 1
Vì sao NATO mở rộng về phía Đông là vấn đề sống còn với Nga? - 2
Vì sao NATO mở rộng về phía Đông là vấn đề sống còn với Nga? - 3

Một phần trong các hoạt động mở rộng về phía Đông của NATO là tiến hành các cuộc tập trận thường niên ở khu vực (Ảnh: Hải quân Anh).

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, lẽ ra theo cương lĩnh nguyên thủy của NATO, tổ chức này không còn lý do tồn tại. Tuy nhiên, với tham vọng toàn cầu, Mỹ và các nước phương Tây đã tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của khối này với chiến lược "Đông tiến", mở rộng vùng ảnh hưởng của mình sang phía lãnh địa cũ của khối Xô Viết.

Năm 1999, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc gia nhập NATO. Đến năm 2004, đến lượt Bulgaria, Estonia, Latvia, Litthuania, Romania, Slovakia và Slovenia, Albania, Croatia, và Bắc Macedonia cũng tìm đến sự bảo vệ của NATO.

Trong vòng 20 năm, Nga đã chứng kiến 14 nước từng trong trường ảnh hưởng của mình nhiều thập kỷ, lần lượt gia nhập NATO ở các mức độ khác nhau. Với việc mở rộng kết nạp thành viên, NATO đã triển khai các kế hoạch đưa vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự đến các nước ở Đông Âu với lý do chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những bất ổn về an ninh ở phía Đông. NATO cũng mở các cuộc diễn tập quân sự lớn tại vùng Baltic dưới danh nghĩa hàng năm. Ngoài ra, NATO cũng tạo ra một liên minh gây sức ép với Nga bằng các lệnh trừng phạt, thu hẹp ảnh hưởng của Nga ở khu vực.

Điều đó khiến Nga cảm thấy bị thế chân ở chính "sân sau" của mình. Giờ đây, Moscow cho việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự phương Tây là "lằn ranh đỏ" không được phép vượt qua. Nga buộc phải lên tiếng với việc công khai các đề xuất an ninh với Mỹ và các đồng minh NATO. Tháng trước, Nga đã đưa ra 8 đề xuất an ninh với phương Tây. Các đề xuất này bao gồm: Không mở rộng liên minh về phía Đông, không triển khai quân đội hoặc vũ khí tới các nước gia nhập khối sau năm 1997, rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan cũng như các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania từng thuộc Liên Xô cũ, hạn chế triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chia sẻ thông tin nhiều hơn về các cuộc tập trận quân sự

Những yêu cầu này không mới bởi Nga lâu nay vẫn phản đối và tìm cách ngăn Ukraine ngả về phương Tây hay ngăn NATO mở rộng ảnh hưởng về phía Đông Âu. Tuy nhiên, lần này, Nga cho thấy sự cấp bách hơn trong việc phải ngăn NATO "Đông tiến". Nga liên tục triển khai lực lượng quy mô lớn gần biên giới Ukraine, liên tục đưa ra cảnh báo phương Tây rằng việc NATO kết nạp Ukraine là "lằn ranh đỏ" không được phép vượt qua. Nga cũng đi nước "bài ngửa" khi công khai các đề xuất an ninh và đề nghị phương Tây phản hồi nhanh chóng bằng văn bản.

Theo nhiều chuyên gia, điều này là bởi Nga nhận thấy hiện giờ là lúc cần quyết liệt hơn để cân bằng quyền lực ở châu Âu khi tầm ảnh hưởng của NATO đã mở rộng đến "vùng đệm an ninh" của Nga. Hơn nữa, Nga cho rằng đây là thời điểm thích hợp để quyết liệt khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn thiết lập một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước với Moscow để tập trung nguồn lực cạnh tranh với Trung Quốc.

"LẰN RANH ĐỎ" KHIẾN NGA BẤT AN

Vì sao NATO mở rộng về phía Đông là vấn đề sống còn với Nga? - 4

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc NATO không giữ lời hứa về việc không mở rộng về phía Đông (Ảnh: Moscow Time)

Sự mở rộng về phía Đông của NATO là mối lo ngại lớn nhất của Nga và là vấn đề gai góc hàng đầu trong mối quan hệ giữa khối này và Moscow. Giới chức Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, nói rằng NATO đã cam kết một cách không chính thức với Nga về việc liên minh này sẽ không mở rộng về phía Đông vào những năm 1990.

Tháng trước, trong cuộc họp báo cuối năm thường niên, chủ nhân Điện Kremlin nói, Nga đã bị NATO "lừa dối một cách trắng trợn" và yêu cầu NATO thực hiện các cam kết đã đưa ra. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cũng chỉ trích: "Trong hơn hai thập niên qua, chúng tôi đã liên tục bị lừa dối, và kết quả của sự lừa dối này đã khiến an ninh của chúng tôi bị đe dọa".

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phủ nhận việc khối này từng đưa ra những cam kết như vậy. Ông cho biết hiệp ước thành lập của liên minh đã khẳng định, bất kỳ quốc gia châu Âu nào đều có thể tham gia khối.

"Chúng ta không thể đặt câu hỏi về quyền của NATO trong việc bảo vệ các đồng minh cũng như nguyên tắc cơ bản là mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường của riêng mình", ông Stoltenberg nói hồi tháng trước. Ông Stoltenberg cũng cáo buộc Nga đang nỗ lực tạo ra "các phạm vi ảnh hưởng" bằng cách chỉ định "những quốc gia nhỏ hơn" như Ukraine có thể và không thể làm gì.

Khi chiến lược "Đông tiến" của NATO đang dần dần được hiện thực hóa và không gian hậu Xô Viết ngày càng bị thu hẹp, nó đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh của Nga. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Newsweek hôm 15/1, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã chia sẻ thêm về lý do Nga kiên quyết ngăn NATO mở rộng về phía Đông. Nhà ngoại giao này nói: "Nếu NATO có thể tiếp cận biên giới Nga, thời gian vũ khí, tên lửa của NATO tiếp cận thủ đô Moscow, thành phố St. Petersburg và các thành phố khác của Nga sẽ rút ngắn lại. Thử hỏi, chính phủ Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Washington, New York, Los Angeles nằm trong tầm tấn công?".

Vị Đại sứ nói thêm: "Sau khi Liên Xô sụp đổ, tình hình an ninh tại châu Âu đã trở nên tồi tệ nhanh chóng. Năm "làn sóng" mở rộng của NATO đã đưa các quốc gia trong liên minh này đến gần với biên giới của Nga hơn". "NATO liên tục củng cố lực lượng quân sự tiềm năng dọc phạm vi lãnh thổ Nga. Mỗi năm có khoảng 40 cuộc tập trận quy mô lớn được tổ chức ở ngay sát biên giới Nga như huấn luyện phóng tên lửa trên không, trên biển chiến lược tại Biển Đen và Biển Baltic", ông Antonov bình luận.

Nga xem Ukraine và Georgia là những vùng đệm an ninh trước các mối đe dọa từ NATO. Nếu các nước này gia nhập NATO, đó sẽ là mối lo ngại lớn với Moscow và càng đáng lo ngại hơn khi Ukraine đang ngày càng ngả về phương Tây sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych vào năm 2014.

Andrea Kendall Taylor, Giám đốc Chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, bình luận Nga đã nhận thấy quỹ đạo này và xác định cần hành động ngay để khẳng định lại tầm ảnh hưởng trước khi quá muộn.

Vì sao NATO mở rộng về phía Đông là vấn đề sống còn với Nga? - 5

Ukraine được coi là vùng đệm an ninh của Nga (Ảnh: Aljazeera).

Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga khi được coi là bức tường thành giữa Nga và các nước Đông Âu. Ngoài ra, Ukraine còn có ý nghĩa biểu tượng và tầm quan trọng lịch sử, thường được ví như "viên ngọc quý trên vương miện của Liên Xô". Tổng thống Putin từng nhận định Ukraine có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine nghiêng nhiều hơn về phương Tây để có được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị, đặc biệt sau khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và bị cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Ukraine cũng nhiều lần thể hiện mong muốn gia nhập EU và NATO.

Trong bối cảnh đó, nhiều chiến lược gia và giới quan sát chính trị của phương Tây cho rằng, Nga không chỉ đang tìm cách ngăn Ukraine gia nhập NATO mà còn muốn tách quốc gia láng giềng này khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây.

Maximilian Hess, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nhận định: "Tư cách thành viên trong NATO có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt và Nga sẽ không chấp nhận việc phương Tây mở rộng sự ủng hộ quân sự đáng kể cho Ukraine".

NGA CÓ THỂ ĐI XA ĐẾN ĐÂU?

Vì sao NATO mở rộng về phía Đông là vấn đề sống còn với Nga? - 6

Quân đội Nga diễn tập ở Crimea tháng 4/2021 (Ảnh: AP).

Trong những tuần qua, giới chức Nga và phương Tây đã tìm cách tháo ngòi căng thẳng bằng những cuộc đàm phán. Tuy nhiên, các vòng đàm phán cũng không mang lại kết quả đột phá. NATO từ chối các đề xuất an ninh của Nga và tiếp tục cảnh báo "giáng đòn đau" nếu Nga tấn công Ukraine. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Âu.

Fabrice Pothier, một nhà phân tích chiến lược của tổ chức Rasmussen Global, nhận định đàm phán với Nga chưa bao giờ là dễ dàng với NATO. "Rất khó để NATO chấp thuận những đề xuất không bảo vệ lợi ích và giá trị riêng của họ, đặc biệt là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của các đồng minh", ông Pothier nói với Al Jazeera. Ông bình luận thêm: "NATO có thể thỏa hiệp về vấn đề minh bạch, về cách mà các đồng minh thông báo về các cuộc tập trận quân sự, về các hệ thống vũ khí nhạy cảm dọc biên giới. Ngoài những vấn đề đó, NATO sẽ không bao giờ thỏa hiệp".

Về phía Nga, giới chức nước này cảnh báo, Moscow đang mất dần kiên nhẫn với NATO và không có ý định rút lại hay thay đổi các đề xuất an ninh đã đưa ra.

Một trong những câu hỏi lớn nhất mà giới chức phương Tây đặt ra là, Nga sẵn sàng đi xa tới đâu để ngăn Ukraine tiến sâu hơn vào quỹ đạo của Mỹ và các đồng minh và để duy trì, mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực.

Mặc dù Nga nhiều lần khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine, song chuyên gia Angela Stent thuộc Trung tâm Nghiên cứu Á - Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho rằng một cuộc xung đột ở Ukraine vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ là "một cuộc tấn công hạn chế thay vì một cuộc tấn công quy mô lớn".

Chuyên gia Maximilian Hess cũng nhận định, Nga không mong muốn một cuộc chiến vượt ngoài những mặt trận hiện nay. Theo ông, ít nhất, Nga cần duy trì áp lực để gây sức ép với Mỹ và các đồng minh NATO trên bàn đàm phán. "Mối đe dọa này chưa bao giờ giảm xuống suốt 8 năm qua (kể từ khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea) và có lẽ cũng sẽ không giảm bớt sau các cuộc đàm phán", ông nói. Trong khi đó, cựu Đại sứ Anh tại Nga Tony Brenton cho rằng, cả Nga và Mỹ đều muốn tránh xung đột quân sự và các động thái của Nga cho thấy nước này chỉ muốn những lợi ích của mình được "xem xét".

Theo giới phân tích, khi các bên tiếp tục đặt lợi ích của mình lên hàng đầu thì cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ còn kéo dài và hồi kết sẽ còn khó đoán định.

Minh Phương

Theo CNBC, Aljazeera, Foreign Policy