Tin thế giới 19/1: Nga yêu cầu Mỹ 'đừng đoán nữa'; Tổng thống Iran dự đoán bước ngoặt với Nga; Pháp cần rời NATO?
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:51, 19/01/2022
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, viễn cảnh Nga xâm lược Ukraine là điều không thực tế. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị góp tay giải quyết khủng hoảng Nga-Ukraine
Ngày 18/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, viễn cảnh Nga xâm lược Ukraine là điều không thực tế, đồng thời tuyên bố ông ấy cần phải thảo luận về cuộc khủng hoảng này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Nhà lãnh đạo nêu rõ: "Tôi không xem việc Nga xâm lược Kiev là một cách tiếp cận thực tế vì Ukraine không phải là một quốc gia bình thường. Ukraine là một đất nước mạnh mẽ. Để Nga thực hiện bước đi đó, cần phải xem xét lại tình hình trên toàn thế giới và của riêng quốc gia này".
Ngày 19/1, theo ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của ông Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thăm Ukraine trong những tuần tới. Bên cạnh đó, Ankara cũng sẽ liên hệ chặt chẽ với Mocsow "để tránh bất kỳ hành động quân sự nào gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Kalin cho hay, Tổng thống Erdogan đã mời hai người đồng cấp Nga và Ukraine đến Ankara để "giải quyết bất đồng" song phương.
Người phát ngôn trên nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Nga-Ukraine và "sẵn sàng đóng bất kỳ vai trò nào có thể để giảm căng thẳng giữa hai bên". (Reuters, Sputnik, TASS)
Mỹ cảnh báo Nga có thể sớm điều quân tới Ukraine, Moscow: 'Đừng đoán nữa!"
Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo, nước này biết Moscow hiện có "những kế hoạch nhằm tăng cường hơn nữa lực lượng Nga chỉ trong thời gian rất ngắn và điều này tạo điều kiện cho Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine nhanh chóng".
Phát biểu trước các quan chức ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev, ông Blinken bày tỏ hy vọng mạnh mẽ rằng, Nga có thể tuân thủ con đường ngoại giao và hòa bình, trong bối cảnh người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 21/1.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ, chính quyền Tổng thống Joe Biden "tháng trước đã thông qua khoản tiền bổ sung 200 triệu USD để hỗ trợ an ninh phòng thủ cho đối tác Ukraine".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng yêu cầu Mỹ "ngừng ... suy đoán về một số hành động gây hấn sắp xảy ra của Nga".
Bà Zakharova cũng phản pháo tuyên bố của Nhà Trắng trước đó rằng, có thông tin các nhà ngoại giao Nga sắp sơ tán khỏi Ukraine, cho rằng đây là "hành động khiêu khích". (Reuters, AFP, Sputnik)
Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán an ninh với Nga, Moscow chờ một thứ
Ngày 18/1, trả lời phỏng vấn tờ Foreign Policy, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán an ninh với Moscow.
Ông Sullivan nói: "Chúng tôi sẵn sàng nếu Nga muốn theo đuổi con đường ngoại giao và đặt một số sáng kiến cũng như đề xuất trên bàn để cân nhắc. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề đó".
Theo quan điểm của Cố vấn An ninh Mỹ, ngoại giao là cơ hội để đạt tiến triển có ý nghĩa đối với những vấn đề then chốt của an ninh châu Âu, vốn cần được xử lý một cách chi tiết.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow hy vọng sẽ sớm nhận được phản hồi bằng văn bản từ Mỹ liên quan các đảm bảo an ninh do Nga đề xuất gần đây.
Ông Peskov cũng lưu ý rằng, cuộc gặp ngày 21/1 của các nhà ngoại giao hàng đầu Nga-Mỹ tại Geneva là cực kỳ quan trọng, đồng thời: “Chương trình nghị sự rất rõ ràng, chúng ta nên hạn chế nói bất cứ điều gì vào lúc này và hãy đợi đến thứ Sáu". (TASS)
Nga-EU thảo luận các đề xuất đảm bảo an ninh của Moscow
Ngày 18/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Giám đốc Chính trị cơ quan hành động Đối ngoại châu Âu Enrique Mora đã thảo luận các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh.
Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nêu rõ: "Hai bên đã xem xét hiện trạng và triển vọng của mối quan hệ Nga-EU, kể cả lịch trình đối thoại chính trị. Khi thảo luận về các khía cạnh quân sự-chính trị của an ninh châu Âu, Moscow đã giải thích các đề xuất về việc hình thành các bảo đảm an ninh ràng buộc pháp lý lâu dài”.
Hai bên cũng trao đổi quan điểm về xung đột nội bộ Ukraine và nhấn mạnh "sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ và vô điều kiện Gói các biện pháp Minsk, là cơ sở pháp lý quốc tế không thể thay thế để giải quyết (tình hình).
Nga kêu gọi EU kiềm chế các bước trực tiếp hoặc gián tiếp khuyến khích Kiev phá hoại việc thực hiện các thỏa thuận Minsk”. (TASS)
CSTO rút hoàn toàn, lực lượng an ninh Kazakhstan báo động cao
Ngày 19/1, truyền thông Nga dẫn lời Tướng Andrei Serdyukov, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) triển khai tại Kazakhstan cho hay: "Hoạt động gìn giữ hòa bình trên lãnh thổ của Kazakhstan theo quyết định của Hội đồng an ninh tập thể thuộc CSTO đã được hoàn tất".
Trong khi đó, cùng ngày, một nhóm do cựu quan chức ngân hàng Kazakhstan Mukhtar Ablyazov dẫn đầu tuyên bố sẽ tiến hành biểu tình bên ngoài các tòa nhà chính phủ ở những thành phố lớn trên khắp cả nước.
Phóng viên hiện trường của hãng tin Reuters cho biết, lực lượng an ninh Kazakhstan đã chặn vài tuyến phố trung tâm và lập rào chắn một trong những quảng trường ở thành phố Almaty. Cảnh sát Almaty cho biết, họ đang tiến hành một "chiến dịch chống khủng bố".
Một tòa án Kazakhstan đã ra phán quyết coi phong trào chính trị của ông Ablyazov, mang tên Lựa chọn Dân chủ Kazakhstan, là tổ chức cực đoan.
Trong diễn biến khác, cơ quan báo chí của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho hay, ông Tokayev đã bổ nhiệm ông Ruslan Zhaksylykov làm Bộ trưởng Quốc phòng theo sắc lệnh được công bố cùng ngày.
Tổng thống Tokayev cũng bãi nhiệm ông Zhaksylykov khỏi chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Tổng Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Kazakhstan và bổ nhiệm ông Yerkin Botakanov thay thế. (AFP, Reuters)
Ứng cử viên Tổng thống Pháp: Paris cần rời khỏi NATO
Trả lời phỏng vấn tờ Le Monde, ứng viên Tổng thống Pháp của đảng cực tả Jean-Luc Melenchon cho rằng, nước này cần rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để khôi phục tính độc lập trong các vấn đề quân sự.
Chính trị gia Pháp nhấn mạnh: "Pháp, nước sở hữu các lực lượng răn đe hạt nhân, cần được độc lập và không nên phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực chế tạo vũ khí".
Theo ông Melenchon, "chính sách chống Nga không phù hợp với các lợi ích của Pháp, một đường lối như vậy là nguy hiểm và vô lý. Tại sao chúng ta phải bảo vệ các đường biên giới của Ukraine. Tôi muốn Pháp từ bỏ những liên minh và ủng hộ các phương thức toàn cầu hóa thay thế".
Ông Melenchon đồng thời kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng toàn cầu và lưu ý rằng, "các cuộc thảo luận với Nga nên toàn diện". (TASS)
Tổng thống Iran đến Nga: Bước ngoặt?
Ngày 19/1, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã đến Moscow trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nga theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin để thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa.
Cùng ngày, dự kiến, Tổng thống Iran sẽ có cuộc đàm phán với người đồng cấp Vladimir Putin.
Vào ngày 20/1, ông Raisi dự kiến sẽ phát biểu tại Hạ viện Nga và tại Nhà thờ Hồi giáo Moscow.
Hãng thông tấn IRNA đưa tin, trước khi khởi hành đến Moscow, Tổng thống Raisi nói rằng, chuyến thăm của ông có thể trở thành bước ngoặt trong quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Theo ông: "Sự tương tác giữa Iran và Nga trong khu vực chắc chắn sẽ đảm bảo an ninh và ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương".
Nhà lãnh đạo này cho hay, cả Nga và Iran đều là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế và chính trị trong khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mà Nga đóng vai trò quan trọng".
Bên cạnh đó, Nga cũng đóng vai trò chủ chốt trong Liên minh Kinh tế Á-Âu và "sự hợp tác Moscow-Tehran trên đường hướng này có thể có hiệu quả để thúc đẩy các dự án kinh tế và thương mại".
Israel phá dỡ nhà ở của người Palestine tại Đông Jerusalem
Ngày 19/1, cảnh sát Israel đã phá dỡ nhà ở của một gia đình người Palestine ở khu vực Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem bị Israel chiếm đóng, với lý do căn nhà này xây dựng trái phép trên khu đất dành cho trường học.
Theo hãng tin AFP của Pháp, cảnh sát Israel đã cưỡng chế 18 người rời khỏi ngôi nhà trên và tiến hành phá dỡ.
Từ tháng 5/2021, Israel đã tiến hành cưỡng chế nhiều ngôi nhà của người Palestine tại Shiekh Jarrah, dẫn tới bùng nổ cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa Israel và các nhánh vũ trang Palestine tại Dải Gaza. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động cưỡng chế nhà ở của người Palestine.