Thấy que thử thai trong sọt rác, chồng tôi giận dữ hất cả mâm cơm rồi yêu cầu ly hôn

Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 15:19, 19/01/2022

Tôi khóc nức nở, uất hận và đau đớn. Nhưng lý do chồng tôi đưa ra cũng không phải là không có lý.

Vợ chồng tôi cưới nhau được một năm nay. Chúng tôi chưa có ý định sinh con vì kinh tế còn túng thiếu. Sau một lần tôi bị bệnh nặng lúc giữa năm nay, chúng tôi còn gánh số nợ hơn 200 triệu trên vai.

Không ngờ, tuần trước, tôi phát hiện mình có thai. Khi que thử thai hiện hai vạch, tim tôi như muốn ngừng đập vì quá bất ngờ và kinh ngạc. Chúng tôi còn đang ở nhà trọ, tổng lương mỗi tháng hai vợ chồng cộng lại chưa tới 9 triệu.

Chồng tôi là người khô khan, cộc cằn. Anh luôn nhắc tôi phải giữ gìn, không được phép sinh con trong giai đoạn này. Anh nói không muốn con sinh ra, lớn lên trong sự khổ sở, thiếu thốn.

Tôi vứt que thử thai vào sọt rác và giữ kín chuyện này với chồng. Tôi định để thêm một thời gian nữa, đi siêu âm cho chắc chắn rồi mới bàn bạc cách giải quyết. Nhưng tối hôm qua, khi tôi dọn cơm, chồng tôi thu dọn sọt rác đi vứt thì vô tình phát hiện que thử thai.

Thấy que thử thai trong sọt rác, chồng tôi giận dữ hất cả mâm cơm rồi yêu cầu ly hôn-1

Tranh minh họa.

Anh giận dữ hất đổ cả mâm cơm và hét lớn: "Tại sao lại để có bầu?". Tôi tái mặt, đứng chết trân tại chỗ. Chồng tôi vẫn chưa hả giận, anh bảo tôi viết đơn ly hôn, anh không thể chấp nhận được chuyện có con trong thời gian này.

- Nợ nần còn gánh còng lưng, rồi đẻ con thì làm sao lo cho con một cuộc sống tốt nhất. Cô định để đứa nhỏ lớn lên trong túng thiếu, phải ăn cơm với mắm muối như tôi với cô sao hả? Thà không sinh, còn sinh thì phải có điều kiện chăm sóc con cho tốt.

Tôi khóc nức nở vì uất ức và thất vọng. Cứ nghĩ chồng sẽ an ủi, sẽ cùng tôi tìm hướng giải quyết tốt hơn, sẽ chấp nhận giữ lại con. Không ngờ anh lại tàn nhẫn như thế.

Tôi quyết định sẽ sinh con ra, dù có khổ sở đến thế nào đi nữa. Nhưng có cách nào để chồng tôi thay đổi suy nghĩ không? Và liệu sinh con khi đang khổ cực thì có thiệt thòi cho con không?

THEO TRÍ THỨC TRẺ