Những gia tộc người Việt gốc Hoa là tỷ phú ngầm, giàu nứt vách ở Việt Nam
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:42, 19/01/2022
Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, có những cái tên đình đám là người gốc Hoa, như “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My (con gái ông Đặng Văn Thành), Trần Lệ Nguyên – người chi phối lĩnh vực dầu ăn tại Việt Nam, hay Trầm Thuyết Kiều – Trầm Trọng Ngân, những người con của đại gia Trầm Bê. Tuy nhiên, danh sách này chưa phản ánh hết được tầm ảnh hưởng của nhóm doanh nhân gốc Hoa bởi họ còn sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp chưa niêm yết. Đó là những “chú khách” (cách gọi về người gốc Hoa thời xưa) chưa lộ diện như: Vưu Khải Thành (Biti’s), Lý Ngọc Minh (gốm sứ Minh Long), hay nữ đại gia Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát),…
Gia tộc Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan
Trong số những gia tộc giàu có lâu đời ở Việt Nam, Trương gia tộc với tập đoàn Vạn Thịnh Phát chính là một cái tên khiến nhiều người phải kiêng dè.
Người đứng đầu Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan (còn có tên gọi khác là Trương Muội) sinh năm 1956, là nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa giàu có ở Việt Nam. Hiện bà Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng tại TP.HCM.
Chồng bà Lan là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân bất động sản mang quốc tịch Hồng Kông. Vợ chồng bà có hai người con gái là Chu Duyệt Hằng (sinh năm 1994) và Chu Duyệt Phấn (sinh năm 1995).
Chu Duyệt Hằng chính là chủ sở hữu của ZS Hospitality Group và giữ chức Chủ tịch HĐQT khi mới 22 tuổi. Công ty này đặt trụ sở ở Hồng Kông và sở hữu chuỗi 5 thương hiệu nhà hàng châu Á gồm: Ying Jee Club, Whey, Hansik Goo, J.A.M, Miss Lee.
Nữ đại gia Trương Mỹ Lan. |
Về Chu Duyệt Phấn, cô hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo trợ tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trước đó, năm 2015, Công ty cổ phần Minerva của Chu Duyệt Phấn đã thâu tóm căn biệt thự cổ tại ba mặt đường Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần, TP.HCM với giá trị 35 triệu USD (khoảng 805 tỉ đồng).
Ngoài bà Lan, gia tộc họ Trương còn hai doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là cha đẻ – ông Trương Chí Trung và cháu – Trương Huệ Vân (sinh năm 1988), được công chúng biết đến là vợ của ca sĩ Thanh Bùi.
Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập vào năm 1992, đến nay doanh nghiệp này có vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch HĐQT, bà Trương Huệ Vân giữ chức Tổng giám đốc.
Năm 2007, công ty mở rộng đầu tư và phát triển sang lĩnh vực bất động sản thông qua việc thành lập hai pháp nhân: CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) và CTCP Đầu tư An Đông (An Dong Group).
VTP Investment Group có vốn điều lệ 12.800 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát góp 41% và bà Trương Mỹ Lan 15%. CTCP Đầu tư An Đông với vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát góp 20%.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát còn có CTCP Đầu tư Time Square (vốn điều lệ 2.100 tỉ đồng, thuộc sở hữu của ông Chu Nap Kee Eric), CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn đăng ký 18.000 tỉ đồng).
Vạn Thịnh Phát cùng các công ty con hiện sở hữu nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại TP.HCM như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton,... Nổi bật trong đó tòa nhà Times Square cao 40 tầng có vị trí đắc địa khi sở hữu hai mặt tiền Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.
Tập đoàn này còn sở hữu nhiều dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence và Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence.
Vạn Thịnh Phát từng mua lại tòa tháp Vincom Centre A (Union Square sau này), Thuận Kiều Plaza (nay là The Garden Mall), Sài Gòn Peninsula...
Capital One Financial - Doanh nghệp có thể 'thế chân' Tân Hoàng Minh tại lô đất vàng Thủ Thiêm
Sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá lô đất vàng tại KĐT Thủ Thiêm (TP.HCM), CTCP Capital One Financial của gia tộc họ Trương do ông Trương Hồng Võ (SN 1970) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật được nhắc đến với tư cách là là công ty trả giá cao thứ hai.
Capital One Financial được thành lập từ tháng 9/2018, đặt trụ sở tại tòa nhà Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM với lĩnh vực hoạt động tư vấn đầu tư; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu; đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất…
Capital One Financial có quy mô vốn điều lệ ở mức 1.500 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Trương Hồng Võ (sở hữu 40% VĐL), ông Lâm Xương Diệu (sở hữu 26,7% VĐL) và ông Lý Vĩ Hiền (sở hữu 33,3% VĐL).
Cả 3 cổ đông của Capital One Financial đều là người gốc Hoa.
Được biết, Capital One Financial sở hữu một danh mục dự án đồ sộ trên con phố đắt đỏ bậc nhất tại quận 1, TP.HCM. Không những vậy, bóng dáng của tập đoàn này cũng được thể hiện ở các pháp nhân khác là CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega.
Bộ đôi Cô Gia Thọ - Trần Lê Nguyên: Từ cây bút bi đến thị trường dầu ăn
Nói về những cái bắt tay của những doanh nhân người Hoa tại Việt Nam, không thể không nhắc đến ông chủ của hãng bút bi Thiên Long, Cô Gia Thọ, và hai anh em ông chủ tập đoàn Kinh Đô (Kido), Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên.
Tập đoàn Thiên Long mới đây cho hay sẽ bắt tay với Kido để đầu tư một số dự án phát triển sản phẩm mới đáng chú ý, trong đó có việc hợp tác với CTCP Tập đoàn Kido để cung cấp hàng hóa cho chuỗi cà phê & trà Chuk Chuk.
Ông Cô Gia Thọ (sinh năm 1958) khởi nghiệp với bút bi Thiên Long, một sản phẩm tưởng như thu tiền lẻ nhưng giờ đây Thiên Long đã là một thương hiệu lớn trên thị trường văn phòng phẩm tại Việt Nam.
Ngoài việc làm Chủ tịch HĐQT Thiên Long (TLG), ông Thọ còn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thiên Long Long Thành, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh, thành viên HĐQT Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc (một phần từ kết quả cái bắt tay với gia tộc Trần Lệ Nguyên). Hiện gia tộc Cô Gia đang nắm giữ lượng cổ phiếu TLG trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ông Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên - Cô Gia Thọ. |
Về phía anh em ông Trần Lệ Nguyên – Trần Kim Thành, ông Trần Lệ Nguyên (sinh năm 1968) hiện là Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Kido (KDC). Trước khi thống trị thị trường dầu ăn, hai anh em đại gia này từng nắm thị phần lớn trên thị trường bánh kẹo tại Việt Nam.
Ông Nguyên hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC), thành viên HĐQT Tổng Công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC), thành viên HĐQT của các doanh nghiệp khác gồm: Kidoland, CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF), Tập đoàn Thiên Long.
Năm 2021, KDC đã mua thêm 36% cổ phần VOC, tăng tỷ lệ sở hữu lên 87%. KDC hiện là doanh nghiệp sở hữu 19% thị phần dầu ăn toàn quốc.
Trong khi đó, anh trai ông Nguyên là Trần Kim Thành (sinh năm 1960), hiện là Chủ tịch HĐQT của các doanh nghiệp gồm: KDC, KDF, VOC.
Ngoài Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên, các thành viên trong gia tộc này gồm: Vương Bửu Linh (vợ ông Thành), Vương Ngọc Xiềm (vợ ông Nguyên), Trần Quốc Nguyên (em trai), Trần Vinh Nguyên (anh trai), Vương Bửu Ngọc, Vương Thu Lệ, Vương Bửu Dinh, đều đang sở hữu lượng lớn cổ phần chi phối tại KDC, KDF, TAC và VOC với tổng trị giá lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Gia tộc nhà Trầm Bê: Đại gia một thời trong ngành ngân hàng
Dù đang vướng vòng lao lý do những sai phạm trong kinh doanh, nhưng đại gia Trầm Bê vẫn đang đứng thứ 150 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá hơn 900 tỷ đồng. Khối tài sản này đến từ việc ông Trầm Bê sở hữu lượng lớn cổ phiếu STB của Sacombank và BCI của Xây dựng Bình Chánh.
Ngoài ông Trầm Bê, 3 người con của ông cũng góp mặt trong danh sách này, trong đó ông Trầm Trọng Ngân đứng thứ 56 với khối tài sản trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. Hai người còn lại là Trầm Khải Hòa và Trầm Thuyết Kiều hiện sở hữu lượng cổ phiếu STB trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) từ năm 1999, sau đó rời khỏi vị trí này vào năm 2016.
Ông Trầm Bê từng là một cái tên nổi tiếng trong ngành ngân hàng và từng giữ chức Phó Chủ tịch thường trực ngân hàng Sacombank khi gia đình ông nắm giữ 9,49% cổ phần tại ngân hàng.
Ông Trầm Bê cùng 3 người con. |
Gia tộc thao túng thị trường mía đường Đặng Văn Thành
Trước khi bị thế lực Southern Bank của gia tộc Trầm Bê thâu tóm cổ phần, Sacombank được phủ bóng bởi gia tộc họ Đặng, ông Đặng Văn Thành và vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc.
Tuy nhiên, sau khi rời khỏi lĩnh vực ngân hàng, vợ chồng ông Đặng Văn Thành nhanh chóng củng cố vai trò trong ngành mía đường Việt Nam thông qua việc thực hiện các thương vụ M&A đình đám.
Gia đình Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc cùng 4 người con gồm: Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Huỳnh Anh Tuấn, và Đặng Huỳnh Thái Sơn hiện nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp mía đường lớn bậc nhất cả nước là CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC).
Trong đó, bà Huỳnh Bích Ngọc là Chủ tịch HĐQT tại SBT, Phó Chủ tịch HĐQT tại TTC. “Công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My hiện là Chủ tịch HĐQT tại TTC và Phó Chủ tịch HĐQT tại SBT.
Ông Đặng Văn Thành hiện không trực tiếp điều hành các doanh nghiệp kể trên, nhưng cá nhân ông đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu SBT và GEG của CTCP Điện Gia Lai. Các thành viên trong gia đình ông Thành cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại những doanh nghiệp này và Sacomreal, Tổng Công ty Tín Nghĩa với tổng giá trị tài sản khoảng 7.000 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Thành cùng vợ và hai người con nổi tiếng, Đặng Hồng Anh - Đặng Huỳnh Ức My. |
Đại gia ngành thép Trần Xảo Cơ
Ở trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, gia đình ông Trần Xảo Cơ – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (HLA) được coi là một gia đình kín tiếng. Ông Xảo Cơ còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Xảo Cơ Lang Phương.
Hữu Liên Á Châu là doanh nghiệp sản xuất ống thép và đang niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCom. Doanh nghiệp này có mối liên hệ mật thiết với CTCP Thép Nam Kim (NKG) và CTCP Minh Hữu Liên (MHL), chuyên sản xuất các sản phẩm tiện ích từ sắt thép. Cả hai doanh nghiệp này đều đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trong đó, NKG do ông Hồ Minh Quang, con rể của ông Trần Xảo Cơ làm Chủ tịch HĐQT. Ông Quang hiện nắm giữ hơn 10% cổ phần tại NKG trị giá khoảng 900 tỷ đồng.
Hai người con của ông Trần Xảo Cơ là Trần Uyển Nhàn (vợ ông Quang) và Trần Tuấn Nghiệp hiện cũng đang sở hữu lượng cổ phần chi phối tại HLA.
Đại gia kín tiếng Trần Xảo Cơ. |
"Vua giày dép" Vưu Khải Thành
Biti’s là tên viết tắt từ HTX cao su Bình Tiên, được thành lập năm 1982 bởi vợ chồng doanh nhân gốc Hoa, ông Vưu Khải Thành và bà Lai Khiêm, ban đầu chỉ là các loại dép cao su xuất khẩu, thị trường chủ yếu là Liên Xô cũ và các nước Đông Âu.
Đầu thập niên 1990, Biti's chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và gây được thiện cảm của người dùng Việt nhờ câu “Nâng niu bàn chân Việt”.
Biti’s còn là thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá hơn 17 triệu USD. Tuy nhiên, người góp phần nâng tầm thương hiệu này không phải doanh nhân Vưu Khải Thành mà là con gái của ông, Vưu Lệ Quyên. Ái nữ nhà Biti's đã đem tới hàng loạt những cải cách lớn như sử dụng mô hình cửa hàng tiếp thị thay vì bán hàng qua kênh đại lý, áp dụng phần mềm ERP và SAP để quản lý đến lập dự án sản xuất, marketing, mô hình cửa hàng Biti’s cho mọi thành viên trong một gia đình.
Hiện Vưu Lê Quyên đang nắm giữ chức vụ CEO của Biti’s, trong khi ông Vưu Khải Thành là Chủ tịch HĐQT công ty.
Biti’s thực sự là một công ty “gia đình trị” khi cá nhân ông Vưu Khải Thành và vợ ông, bà Lai Khiêm cùng các con, Vưu Lệ Quyên, Vưu Lệ Minh và Vưu Tuấn Kiệt nắm giữ gần 87% vốn điệu lệ công ty.
Ông Vưu Khải Thành. |
“Vua gốm sứ” Lý Ngọc Minh
Gốm sứ Minh Long được thành lập bởi ông Lý Ngọc Minh (sinh năm 1953). Tình yêu gốm sứ trong ông được truyền lại từ đời ông nội, vốn là người Phúc Kiến, Trung Quốc.
Năm 18 tuổi, ông Lý Ngọc Minh cùng với người bạn là Dương Văn Long đã bắt đầu khởi sự nghề gốm, từ đó Gốm sứ Minh Long ra đời, lấy tên ghép lại từ tên của hai cổ đông sáng lập.
Sau này, Minh Long tách thành Minh Long 1 và Minh Long 2, trong đó ông Dương Văn Long đi theo hướng sứ công nghiệp, còn ông Lý Ngọc Minh đi theo hướng gốm sứ mỹ nghệ.
Hiện nay, thương hiệu Minh Long của ông Lý Ngọc Minh đã phủ sóng trên mọi phân khúc thị trường.
Ông Minh không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ. Những người em của ông cùng con cái cũng theo đuổi nghiệp kinh doanh. Em kế ông là Lý Ngọc Bạch thành công khi chuyển sang sản xuất gốm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản và IKEA, em gái cùng mẹ khác cha Phùng Thị Vạn chuyên cung cấp nguyên liệu cho ngành gốm sứ.
Ông Lý Ngọc Minh. |
Bốn người con của ông Minh là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Kha Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long 1. Trong đó, vai trò của ông Lý Huy Sáng nổi bật hơn cả khi được giao phụ trách nhiều công ty thành viên trong Group như Công ty TNHH Minh Sáng, Công ty TNHH Chiếc thìa Vàng; Công ty TNHH Green Age; Công ty TNHH Greenie Scoop.
Pháp nhân lõi của Group - Công ty TNHH Minh Long 1 có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc chiếm 21%, bà Lý Ngọc Dung (19%), ông Lý Huy Sáng - Phó Tổng giám đốc( 15%), bà Lý Kha Trân (15%), ông Lý Huy Đạt (15%) và ông Lý Huy Bửu (15%).
Hiền Anh