Saudi Arabia muốn ‘hất cẳng’ Nga khỏi thị trường dầu mỏ châu Âu?
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:20, 19/01/2022
Đông Âu được coi là một trong những thị trường tiêu thụ dầu chính của Nga, nhưng bây giờ tình hình có thể thay đổi, do đó nước này sẽ phải tranh giành thị phần trong khu vực - tất nhiên với điều kiện là hoạt động khai thác “vàng đen” ở Nga tăng trưởng trở lại như trong hạn ngạch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Theo Bloomberg, thỏa thuận giữa Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Aramco của Saudi Arabia và nhà bán lẻ nhiên liệu và lọc dầu Ba Lan PKN Orlen cung cấp cho Saudi Arabia mua 30% sản lượng lọc dầu trên bờ biển Baltic.
Ngoài ra, Orlen sẽ nhận tới 337.000 thùng mỗi ngày từ công ty quốc doanh Saudi Arabia để chế biến thêm. Trong tương lai, khối lượng có thể tăng lên 400.000 thùng.
Saudi Arabia đang mở rộng sự hiện diện ở hạ nguồn và thị trường Đông Âu, bằng cách mua cổ phần trong một nhà máy lọc dầu của Ba Lan. (Ảnh: Global Look Press) |
Hiện tại, nhà cung cấp dầu chính cho Ba Lan là Nga thông quan đường ống dẫn dầu Druzhba. Tuy nhiên, vào tháng 10/2021, do các vấn đề với người di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, Warsaw bắt đầu mua ít dầu hơn thông qua Druzhba và nhận nhiều hơn nữa thông qua cảng ở Gdansk. Cụ thể, dầu của Saudi Arabia cung cấp qua đường biển với số lượng khoảng 160.000 thùng mỗi ngày.
Trong khi đó, đối với Saudi Arabia thị trường châu Âu là thị trường thứ cấp trong 10 năm qua, chưa nói đến thị trường Đông Âu. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Riyadh đến các nước Nam và Đông Á. Tuy nhiên, trong quá khứ, vương quốc này đã thể hiện sự sẵn sàng cạnh tranh trên các thị trường do những cường quốc khác thống trị.
Vào đầu năm 2020, khi không có các điều kiện về thỏa thuận OPEC+, Saudi Arabia bắt đầu chào bán dầu cho người tiêu dùng nước ngoài với mức chiết khấu xuống mức giá vốn thấp. Trong năm 2015-2016, Saudi Arabia mặc dù giá giảm, nhưng vẫn bơm dầu tối đa để buộc các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ rút khỏi thị trường châu Âu.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phân tích của Trường Quản lý tài chính cấp cao, ông Mikhail Kogan nhận định trước động thái của Saudi Arabia: “Đây là chính trị, bởi vì thật khó có thể tin rằng việc vận chuyển từ Saudi Arabia bằng tàu chở dầu sẽ rẻ hơn dầu của Nga bằng đường ống khi chi phí hậu cần sẽ tiêu tốn ít nhất 20%. Mặt khác, Ba Lan đã mua dầu không chỉ từ Nga trong một thời gian khá dài, bao gồm cả Saudi Aramco”.
Các chuyên gia tin rằng Saudi Arabia muốn “hất cẳng” Nga ra khỏi thị trường dầu mỏ châu Âu.
Nhà phân tích Andrei Maslov của Finam cho biết, việc mua cổ phần của Orlen theo nhiều cách thực sự giống như “cuộc cạnh tranh của Saudi Arabia vào thị trường Nga”. Ông tin rằng, Saudi Arabia sẽ tăng cường sự hiện diện và cung cấp cho các nước châu Âu. Đổi lại, Nga có thể tăng cường bán nguyên liệu thô sang thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, thị trường hấp dẫn hơn và có triển vọng về tăng trưởng nhu cầu trong dài hạn.
Theo ông Kogan, dầu mỏ được sản xuất bởi nhiều quốc gia và Ba Lan không cần thiết phải đàm phán với Saudi Arabia nếu thực sự có vấn đề thiếu dầu nhập khẩu từ Nga.
“Ngoài Nga, Na Uy, Thụy Điển, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sản xuất dầu, tức là có đủ các lựa chọn để thu mua ngay cả khi không có Saudi Arabia. Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào với việc Nga đang hết cơ hội tăng sản lượng, vì không có vấn đề gì với nguồn cung cấp cho Ba Lan và các hợp đồng đang được thực hiện”, ông Kogan nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, sự hiện diện tích cực của Saudi Arabia trong khu vực có thể tăng lên theo thời gian, vì vậy việc mua lại cổ phần các công ty lọc dầu có thể là bước đầu tiên để chiếm thị trường khu vực, hoặc ít nhất là một phần đáng kể trong số đó.
Thanh Bình (lược dịch)