Giữ quy định nhạc sĩ được xét danh hiệu NSND, NSƯT
Xã hội - Ngày đăng : 18:20, 18/01/2022
Điều 64 Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành quy định: Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, hoạ sĩ, phát thanh viên hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (ngày 28/10/2021) đã bỏ “nhạc sĩ”, “phát thanh viên” khi xét tặng các danh hiệu trên. Khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ không đồng tình với đề xuất này.
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) khi thảo luận tại hội trường nhấn mạnh, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm sáng tạo và “nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện”. Tuy không biểu diễn nhưng họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, âm thanh, họa sĩ, biên đạo...
Cho rằng, danh hiệu trên chỉ được xét tặng và trao cho các nghệ sĩ biểu diễn mà không xét và trao cho các nghệ sĩ sáng tác là hạn chế, đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) dẫn chứng ở rất nhiều trường hợp, những nghệ sĩ sáng tác còn là bậc thầy của nghệ sĩ biểu diễn.
“Một số nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSND, NSƯT cảm thấy rất áy náy, niềm vui không trọn vẹn khi các bậc thầy của mình với những tác phẩm làm say đắm lòng người, sống mãi với thời gian lại không được xét tặng danh hiệu này.
Trong khi đó, những tác phẩm do họ soạn ra được các học trò biểu diễn đoạt nhiều huy chương - điều kiện quan trọng, làm cơ sở để được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”, bà Thu Đông nói và đề nghị bổ sung, xét tặng danh hiệu trên cho các nghệ sĩ sáng tác có quá trình cống hiến và đạt được các tiêu chí theo quy định.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo luật giữ lại “nhạc sĩ” trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 7, ngày 18/1/2022. Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục bày tỏ ủng hộ việc bổ sung “nhạc sĩ” vào Điều 64 so với dự thảo ban đầu.
Dự thảo sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã quy định: Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, “phát thanh viên” không còn là đối tượng được xét tặng danh hiệu trên như luật hiện hành.
Theo quy định, những người được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” phải là “Nghệ sĩ ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 15 năm trở lên và sau khi được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, tiếp tục được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.
Trong khi đó “Nghệ sĩ ưu tú” phải là người trung thành với Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 10 năm trở lên; được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.
Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9.
Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2022.
Ngọc Thành(VOV.VN)