Gặp nữ khoa học đứng sau công nghệ mRNA ‘đột phá’ của vaccine COVID-19

Xã hội - Ngày đăng : 12:42, 18/01/2022

Tiến sĩ Katalin Kariko trải qua nhiều thất bại trước khi cùng đồng nghiệp phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside, tiến tới thành công của vaccine COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều mất mát trên toàn cầu. Đến 17/1/2022, theo Our World in Data, thế giới ghi nhận hơn 17 triệu người nhiễm SARS-CoV-2, hơn 5 triệu người tử vong. Trong bối cảnh đó, nhân loại bước vào “cuộc đua” phát triển các liệu pháp điều trị và quan trọng không kém – vaccine chống lại bệnh dịch. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học, những loại vaccine đầu tiên được đưa ra thử nghiệm lâm sàng và đăng ký sử dụng cho đại chúng chỉ trong 1 năm kể từ khi ca bệnh đầu tiên được xác nhận.

Thế giới gọi những người như tiến sĩ Katalin Karikó – nhà khoa học đằng sau công nghệ chỉnh sửa mRNA “đột phá” sử dụng trong vaccine COVID-19 – là người hùng. Nhưng với bà, hành trình khoa học nói chung và thành quả đã góp phần tạo nên vaccine cứu sống hàng chục triệu người nói riêng, không phải là câu chuyện của cá nhân mà là niềm vui của sự cống hiến. Đối với Karikó, tình yêu khoa học chông gai nhưng cũng đầy lạc quan.

“Tôi không thấy mình là người hùng. Tôi luôn nghĩ về tất cả những ai đã làm việc vì điều này, cả những người không còn nữa, người từ hàng thập kỷ trước đã góp phần vào sự tiến bộ của khoa học. Đây là việc tôi và đồng nghiệp, cùng nhiều người khác, tất cả chúng tôi đã làm và giờ tôi ở đây đại diện cho họ”, bà nói.

Katalin Karikó là một trong những nhà khoa học nổi bật tham dự các chương trình trong khuôn khổ giải thưởng VinFuture, giải thưởng thành lập năm 2020 nhằm tôn vinh những nghiên cứu khoa học và công nghệ có tiềm năng tạo thay đổi có ý nghĩa với cuộc sống con người.

Gặp nữ khoa học đứng sau công nghệ mRNA ‘đột phá’ của vaccine COVID-19 - 1

Tiến sĩ Katalin Karikó.

"Bắt đầu từ đâu không phải là vấn đề"

Ban đầu, Karikó không hề có ý định làm vaccine.

Bà sinh năm 1955 trong gia đình làm nghề bán thịt ở Kisujszallas, thị trấn cách Budapest (Hungary) 150 km về phía Đông. Karikó yêu toán học và khoa học khi còn rất trẻ, trong quãng thời gian học tại các trường địa phương như trung học Moricz Zsigmond. Bà theo học chuyên ngành hóa sinh và hoàn thành khóa học tương đương trình độ Thạc sĩ vào năm 1978.

Nhưng con đường học hành của Karikó không hề dễ dàng. “Ban đầu khi sang Mỹ học năm 18 tuổi, tôi không biết một chữ tiếng Anh nào. Cô giáo giảng trên lớp và tôi chỉ nhận ra bài học kết thúc khi cô nói ‘the end’ giống như ở cuối bộ phim. Thế là trong khi bạn bè nhàn hạ thì tôi phải cố gắng đuổi theo, học và nỗ lực không ngừng”, bà nhớ lại.

Karikó chia sẻ, bà lớn lên trong ngôi nhà nhỏ chỉ một phòng, không nước máy, ti vi hay tủ lạnh. Bố mẹ bà cũng chỉ học tiểu học. Song những điều đó không ngăn cản được tình yêu khoa học của bà.

“Việc bạn bắt đầu từ đâu không phải là vấn đề, bạn vẫn có thể trở thành bất cứ ai. Bạn không cần phải là con của vị giáo sư nào. Bản thân tôi cũng không đặc biệt thông minh ở trường hay sở hữu kỹ năng giỏi giang đặc biệt gì. Nhưng bố mẹ rất ủng hộ tôi học hành và tôi có các giáo viên tốt. Tôi nghĩ nếu bạn đã đặt tâm trí vào đó thì bạn có thể làm được bất cứ thứ gì”.

Nghiên cứu đột phá

Đến 1989, Karikó bắt đầu làm việc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Tại đây, bà tập trung nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm. Tại trường này, tình cờ nhà khoa học Hungary gặp Drew Weissman, người đang có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc tìm kiếm vaccine cho bệnh nhân AIDS. Khi Karikó chia sẻ về nghiên cứu mRNA, Weissman đã nhận ra những tiềm năng độc đáo của công nghệ này. Từ đây, họ có thời gian dài cộng tác cùng nhau.

Năm 2005, họ đưa ra nghiên cứu mang tính đột phá với việc sửa đổi một trong các nucleoside của mRNA. Sau khi sửa đổi, mRNA có thể đi vào tế bào và hoạt động đúng chức năng mà không gây ra các phản ứng của hệ thống miễn dịch. Hai nhà khoa học tin rằng công nghệ của họ có tiềm năng mở ra cánh cửa cho vô số vaccine, protein điều trị và liệu pháp gen mới.

Nhưng ý tưởng ban đầu không thu hút được sự chú ý, có lúc khiến các nhà khoa học mệt mỏi. Dù vậy, họ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trị bệnh của mRNA. Trải qua nhiều năm không “gặp thời”, phát hiện đầy tiềm năng này mới được các công ty dược tiếp nhận và sau đó ứng dụng vào phát triển vaccine.

Karikó nói, làm khoa học cũng như đi một con đường dài mãi không thấy điểm kết, phải trải qua nhiều lần thất bại trước khi nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, vì vậy tinh thần lạc quan và sự nỗ lực, chăm chỉ là rất quan trọng.

Nói về việc cuộc đời bà thay đổi thế nào với chuỗi sự kiện này, Karikó cho biết: “Tôi đã cố gắng tranh thủ sự chú ý. Tôi vốn thích ở trong phòng thí nghiệm và suy nghĩ, vì vậy tôi làm khoa học chứ không làm diễn viên. Nhưng giờ với tất cả sự quan tâm thì tôi cố gắng để khoa học được chú ý nhiều hơn, phụ nữ trong khoa học được quan tâm hơn. Từ đó thêm nhiều người trẻ muốn thành nhà khoa học. Đó là điều tuyệt vời khi bạn được giải quyết các vấn đề mỗi ngày. Nếu ai đó muốn làm giàu thì đừng làm khoa học, còn muốn vui vẻ cả đời thì hãy làm khoa học”.

Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính: Ngày 18/1 là chương trình giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo. Ngày 19/1 là tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều GS hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.

Ngày 20/1 là lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20h (Truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize). Ngày 21/1 giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.

Phương Anh

Phương Anh