Khám phá nghề làm ông Táo bằng đất nung duy nhất còn sót lại ở xứ Huế
Xã hội - Ngày đăng : 09:40, 18/01/2022
Nằm cạnh phố cổ Bao Vinh, làng Địa Linh (thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế) là ngôi làng duy nhất còn lại ở tỉnh Thừa Thiên Huế lưu giữ được nghề làm ông Táo bằng đất nung. Đây là nghề truyền thống đã có từ lâu đời và được gìn giữ qua bao thế hệ con cháu.
Để làm được những bức tượng ông Táo, đầu tiên người dân phải chọn lựa đất sét rất kỹ. Sau đó lọc tạp chất như sạn, đá, bao bì…, rồi nhào nặn và mang đi đúc thành tượng. Đây là công đoạn vất vả nhất để làm ra các bức tượng ông Táo.
Tượng sau khi đã đúc thành hình sẽ được mang ra phơi nắng cho khô ráo. Vào những ngày mưa, người dân phải sử dụng quạt máy để sấy khô.
Để ra thành phẩm, tượng còn phải được nung trong lò thời gian từ 2 - 3 ngày, vì vậy việc canh nhiệt độ trong lò là khâu hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm lâu năm. Nếu nhiệt độ quá cao tượng sẽ dễ vỡ, sứt mẻ.
"Suốt tháng nay, lò nung của gia đình hoạt động liên tục, cứ 2 - 3 ngày lại phải nung một lò. Nhiều thương lái đến đặt hàng trước cả tuần nhưng vẫn chưa có để bán", bà Lượng, người gia đình có 3 đời làm nghề chia sẻ.
Mỗi mẻ nung trong lò chứa từ 2.000 đến 3.000 tượng xếp chồng lên nhau. Với số lượng nhiều như vậy nên đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.
Mỗi năm, gia đình bà Vân cung ứng ra thị trường gần 100.000 tượng ông Táo. Thị trường tiêu thụ bao gồm cả trong và ngoài tỉnh. Công việc này bắt đầu từ tháng 2 âm lịch kéo dài cho đến hết năm.
Tượng sau khi được nung sẽ được phủ một lớp sơn nền màu hồng, đây là loại sơn chuyên dùng cho đất nung.
Sau đó, các bức tượng sẽ được vẽ thêm màu và rải kim tuyến. Đây là khâu mất thời gian nhất để làm ra một bức tượng ông Táo hoàn thiện.
Các thành viên trong gia đình ông Võ Văn Nam đều có công việc riêng, tuy nhiên, cứ vào dịp giáp Tết, cả gia đình lại tất bật để hoàn thành những bức tượng ông Táo, kịp cung ứng ra thị trường.
Theo ông Nam, một bức tượng đẹp hay xấu được quyết định bởi công đoạn vẽ màu. Công đoạn này cần phải tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét vẽ.
Ngoài các tượng sơn màu, người dân nơi đây còn sản xuất tượng sơn mài. Đối với tượng sơn mài, sau khi sơn xong sẽ mang phơi nắng để nước sơn lên màu đẹp nhất.
Tượng ông Táo thành phẩm chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Sản phẩm là một kệ đất nung in nổi hình 3 ông Công ông Táo được sơn phủ nhũ màu cùng kim tuyến lấp lánh, kích cỡ rộng khoảng 12cm, cao khoảng 10cm.
Tượng thành phẩm sẽ được đóng gói cẩn thận để tránh va đập khi di chuyển. Giá của mỗi bức tượng ông Táo bán ra cho lái buôn dao động từ 1.200 đồng đến 1.700 đồng/tượng (lãi khoảng 700 - 900 đồng/tượng). Sau khi nhập hàng về, lái buôn sẽ bán ra thị trường với mức giá 10.000 đồng - 15.000 đồng/tượng.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân - một vị thần trông coi việc bếp núc trong gia đình - sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo lại những chuyện xảy ra ở nhân gian trong một năm vừa qua. Vào ngày này, mỗi gia đình thường chuẩn bị một mâm cúng, bánh trái để đưa ông Táo về trời cùng với đó là thay tượng ông Táo mới nhằm cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ cho gia đình.