Phụ huynh nên làm gì giúp con vượt qua những hệ lụy khi học trực tuyến kéo dài?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:46, 17/01/2022
Mô hình học tập trực tuyến thời gian qua đã giúp trẻ không gián đoạn quá trình tiếp nhận kiến thức, đảm bảo kế hoạch năm học.
Thế nhưng cũng không thể phủ nhận, tổ chức học trực tuyến kéo dài, nhất là ở cấp lớp tiểu học cũng mang đến nhiều hệ lụy. Không những chất lượng dạy học hạn chế, học trực tuyến kéo dài còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất các bệnh liên quan đến sử dụng màn hình máy tính, ít vận động…và sức khỏe tâm thần của trẻ (stress, thậm chí trầm cảm…) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Việc hạn chế các kỹ năng xã hội do thiếu tương tác cũng sẽ khiến trẻ khó hòa nhập về sau. Đặc biệt, không phải phụ huynh nào cũng có phương pháp phù hợp khi hỗ trợ con em học tập tại nhà, nên thực tế đã diễn ra việc bạo hành trẻ khi phụ huynh nóng giận, thiếu kiểm soát.
Nhất là thời gian qua xuất hiện không ít những vụ việc đau lòng như học sinh trường Phúc Diễn (Hà Nội) tự tử vì áp lực thi cử, rồi bé gái 8 tuổi bị người yêu của bố bạo hành khi học trực tuyến.
Nếu việc học trực tuyến vẫn kéo dài và người lớn thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà thì học sinh không tránh khỏi những hệ lụy.
Bởi các em cần được giao tiếp với bạn bè, thầy cô để phát triển cảm xúc, rèn luyện nhân cách… chứ không chỉ học kiến thức.
Theo các chuyên gia, tại Hà Nội chưa biết khi nào trường học mới mở cửa nên khi con học trực tuyến kéo dài bố mẹ cũng cần có những kỹ năng giúp con đối diện và vượt qua những hệ lụy.
Đại dịch ảnh hưởng đến tâm lý của tất cả mọi người. Không chỉ là con trẻ mà bản thân người lớn chính cha mẹ cũng chịu tác động tâm lý. Nỗi lo lắng và cảm giác bất lực ngày càng lớn cùng với áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực công việc thời giãn cách, áp lực chăm sóc con cái, mất kết nối thực người với người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng…
Chính vì vậy, để trợ giúp và đồng hành cùng con, bản thân cha mẹ phải khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Cha mẹ nên có kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung, để chăm sóc cho bản thân và con cái. Cha mẹ cần hiểu rằng thái độ và cảm xúc của chính họ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái.
Ví như phát hiện ra những biểu hiện bất thường của trẻ trong sinh hoạt, học hành, ăn nói… cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa để khám.
Đồng thời, cha mẹ phải ngưng tất cả những việc mà trẻ đang làm, không để trẻ tiếp tục sống với những áp lực lớn như vậy sẽ dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài thể chất, cha mẹ cần để tâm nhận biết những thay đổi nhỏ ở con trẻ khi chúng thể hiện sự lo lắng và đau khổ về tinh thần. Phân tích hướng dẫn con cách tiếp nhận, xử lý thông tin về dịch bệnh.
Hãy khuyến khích trẻ chú ý đến những sự kiện tích cực dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, chẳng hạn như một bữa ăn ngon hoặc mặc quần áo yêu thích….
Phụ huynh cần nhận ra những biểu hiện sớm của trẻ khi bị tổn thương tâm lý, tinh thần hay gặp các vấn đề về bắt nạt trên không gian mạng. Từ đó, giúp con cân bằng thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức.
Cùng với đó, cần cùng con duy trì một lịch tập luyện thể thao đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ... Hãy để trẻ làm những thứ mà trẻ cảm thấy thích thú, tận hưởng, thực hành một thói quen thư giãn phù hợp, tự khích lệ bản thân, rèn luyện sự biết ơn hoặc hành động để trao đi yêu thương.
Các bác sĩ cũng cho rằng cho trẻ đến trường là giải pháp tốt cho sức khỏe tâm lý của học sinh và đạt được cả hiệu quả trong học tập so với việc học trực tuyến.