Thức xuyên đêm xuất hóa đơn: Sếp cùng kế toán hoang mang, lo kiệt sức
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 13:26, 17/01/2022
Lo cảnh thức đêm xuất hóa đơn
Những ngày này, chị Thu Hà, kế toán của một công ty ở Hà Nội cảm thấy mệt mỏi. Lý do là công ty đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. ‘3 kế toán của công ty làm ngày làm đêm để kịp xuất hóa đơn trong ngày”, chị Hà than thở.
Lý do là Thông tư 78/2021/TT-BTC không cho phép lùi ngày xuất hóa đơn.
Trước đây, nhiều doanh nghiệp thường chốt số liệu vào cuối tháng trước khi xuất hóa đơn hoặc do bên phía khách hàng yêu cầu.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử là một xu hướng tiến bộ, nhưng cần điều chỉnh để phù hợp thực tế. |
Tuy nhiên, theo quy định mới về hóa đơn điện tử tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 787/2021/TT-BTC, doanh nghiệp sẽ không được xuất hóa đơn cách số hay lùi ngày. Có nghĩa, sau khi nhập dữ liệu, xuất hóa đơn, doanh nghiệp sẽ thực hiện ký số và gửi lên cơ quan Thuế để thực hiện cấp mã, sau đó gửi hóa đơn cho người mua.
Như vậy, ngay tại thời điểm xuất hóa đơn, doanh nghiệp phải lập tức gửi hóa đơn điện tử lên cơ quan thuế để đảm bảo hóa đơn có giá trị pháp lý.
Đây cũng là nguyên nhân khiến những kế toán như chị Thu Hà rơi vào trạng thái ‘mất ăn mất ngủ’.
Mệt mỏi với việc xuất hóa đơn này, một doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên cơ quan thuế địa phương để xin được xuất hóa đơn lùi ngày. Thế nhưng, câu trả lời nhận được là ‘không có trường hợp đặc biệt trừ khi Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Thuế ra công văn điều chỉnh chung’.
Từ 1/7/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử. |
Nhiều công ty cũng đang hồi hộp chờ ngày chuyển đổi hóa đơn điện tử từ 1/7/2022, với những nỗi lo chất chồng.
Đại diện một DN kể: ‘Đêm 31/12/2021 vừa rồi, đến hơn 10 giờ đêm vẫn có kế toán của công ty đối tác gọi cho tôi chốt số liệu để xuất hóa đơn cho đúng thời điểm. Tôi không biết là sau khi áp dụng Thông tư 78 từ 1/7/2022 với quy định không được xuất hóa đơn lùi ngày thì sẽ như thế nào. Trường hợp khách hàng chuyển tiền mua dịch vụ vào 23 giờ 30 đêm là rất thường thấy ở công ty tôi, khi đó sẽ xuất hóa đơn kiểu gì’, một nhân viên kế toán chia sẻ và nghĩ đến tình huống phải đề nghị các đối tác chốt giờ giao dịch sớm hơn trong ngày để kịp xuất hóa đơn theo quy định.
Nên có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế
Nhắc đến quy định không được xuất hóa đơn cách ngày, ông Nguyễn Thanh Tiền, Giám đốc một công ty kế toán - kiểm toán, chia sẻ: Đây là một trong những điểm chưa phù hợp của Thông tư 78. Thời gian xuất hóa đơn với thời gian ký số phải cùng một ngày. Tuy nhiên, làm sao doanh nghiệp có thể làm được việc này trong cùng một ngày. Những nhà hàng, khách sạn, các siêu thị bán đến 11-12 giờ đêm thì kế toán ở đâu để xuất hóa đơn. Nếu để hôm sau thì lại bị sai quy định.
Việc thực hiện hóa đơn điện tử đang được thí điểm ở 6 tỉnh thành là Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định và Phú Thọ |
“Các công ty cung cấp dịch vụ hóa đơn từng dùng ‘chiêu’ viết code trong phần mềm theo hướng hôm nay DN phát hành hóa đơn mà chưa ký, thì phần mềm sẽ rời ngày ký và ngày phát hành hóa đơn thành một ngày. Nhưng, hóa đơn điện tử không phải đơn giản như vậy, mà phải có xác thực của Tổng cục Thuế.
Nếu vì lý do nào đó hệ thống của cơ quan thuế chậm xác thực sang ngày hôm sau thì sẽ bị lệch giữa ngày xuất hóa đơn. Như vậy, nếu chiếu theo Thông tư 78 thì vẫn là sai, trong khi không phải lỗi của DN”, ông Tiền phân tích.
Vị này nói thêm: "Chưa kể trường hợp ảnh hưởng đường truyền, công nghệ,... mà hệ thống của thuế không xác thực được thì hóa đơn đó sẽ bị treo trên hệ thống, không xuất được. Trường hợp này xảy ra liên tục thời gian qua. Nhân viên của tôi nhiều khi xuất hóa đơn cho khách hàng phải chờ đến 11-12 giờ đêm vẫn không xuất được. Còn nếu để chạy sang ngày mai thì bị sai quy định’.
Vì lý do này, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần phải có hướng mở hơn để giảm áp lực cho doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử giai đoạn đầu. Bởi việc triển khai hóa đơn điện tử mới chỉ ở dạng thí điểm ở 6 tỉnh thành, trong khi Luật Quản lý thuế đưa ra quy định phải đến 1/7/2022 mới bắt buộc áp dụng.
Khoảng thời gian thí điểm này, ngành thuế nên tổng hợp ý kiến phản hồi về các khó khăn vướng mắc để điều chỉnh, cải thiện hệ thống đường truyền, hoàn thiện phần mềm... nhằm thực hiện được thông suốt.
“Giai đoạn này không nên phạt doanh nghiệp vì lý do lệch ngày xuất hóa đơn", vị đại diện DN này kiến nghị.
Hộ kinh doanh cũng lo |
Những ngày này, nhiều hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán cũng phản ánh việc mua hóa đơn giấy từ cơ quan thuế gặp khó. Một hộ kinh doanh chia sẻ: Khi lên mua hóa đơn, cán bộ thuế chỉ bán cho hóa đơn lẻ thay vì bán quyển như trước. Mỗi lần đi mua chỉ được mấy hóa đơn. Nếu hôm nào bán nhiều hàng, xuất hóa đơn nhiều thì không thể đủ được. Như vậy rất bất cập. ‘Dường như cơ quan thuế địa phương đang muốn các hộ kinh doanh phải tăng cường sử dụng hóa đơn điện tử’, một hộ kinh doanh phản ánh. Tuy nhiên, theo quy định, khi sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy thì hộ kinh doanh cá thể phải có đủ 7 loại sổ và phải có hóa đơn đầu vào. Hình thức hoạt động giống như một DN nhỏ. Trong khi, những hộ kinh doanh am tường việc này không phải là nhiều. Một chuyên gia kế toán phân tích: “Theo Thông tư 78, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh. Tuy nhiên, sẽ phải cung cấp các hoá đơn chứng từ cho nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá. Đây chính là điều cần phải xem xét thật kỹ khi áp dụng bởi sẽ khiến không ít hộ kinh doanh gặp khó khăn khi thực hiện”. |
Hà Duy