5 ngôi sao cùng đội ‘từ chối tiêm vaccine’ với Djokovic
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 11:17, 17/01/2022
Aaron Rodgers (Bóng bầu dục)
Huyền thoại của Green Bay Packers, tiền vệ từng đoạt giải Super Bowl được xem là “tiếng nói hàng đầu” tại Mỹ về chống lại việc tiêm phòng.
Khi đại dịch nổ ra và Mỹ triển khai tiêm vắc xin, Aaron Rodgers bị dương tính COVID-19 sau đó và bị chỉ trích khá nhiều. Tuy nhiên cầu thủ bóng bầu dục này tuyên bố mình đã miễn dịch tự nhiên, tìm cách điều trị thay thế chứ không tiêm.
Theo Aaron Rodgers, lý do từ chối tiêm vì anh cảm nhận hai trong ba loại loại vắc-xin phổ biến tại Mỹ lúc đó có chứa một thành phần không xác định mà mình bị dị ứng, loại vắc xin thứ ba do nghe nghe nhiều người phàn nàn về "các tác dụng phụ". Cầu thủ này từ chối cả 3 loại.
Rodgers đã lường trước cái giá phải trả cho lập trường của mình, kể cả việc một công ty chăm sóc sức khỏe tại Mỹ cắt đứt hợp đồng quảng cáo với mình vào tháng 11 năm 2020. Lý do là anh đã có những nhận xét “thiếu trách nhiệm” và “mờ nhạt về nhận thức”.
Joshua Kimmich (Bóng đá)
Tiền vệ nổi tiếng của Bayern Munich và ĐT Đức bị phát hiện dương tính COVID-19 vào tháng 11/2021 nhưng trước đó gần một tháng anh đã gây tranh cãi lớn khi lần đầu thừa nhận mình chưa tiêm mũi vắc xin nào.
Trớ trêu là vào năm 2020, khi đại dịch mới nổ ra, tiền vệ này và đồng đội Leon Goretzka đã thành lập sáng kiến "We kick Corona" nhằm quyên góp tiền để hỗ trợ các chiến dịch tiêm chủng và các dự án từ thiện.
Kimmich đã gây làn sóng chỉ trích gay gắt tại Đức và cả trong giới thể thao vì phản đối tiêm, với ly do “sợ hãi và lo lắng”. Cầu thủ 26 tuổi này trả lời truyền thông rằng mình không đủ tự tin để tiêm khi cảm thấy hiệu quả của vắc xin còn mơ hồ và những tác dụng phụ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất ở hiện tại và trong tương lai với con người. "Tôi nghĩ rằng có thể tự bảo vệ mình khỏi virus nếu tuân thủ tất cả các quy tắc và kiểm tra thường xuyên", anh nói.
Tuy nhiên, sau khi bị nhiễm, Kimmich đã rơi vào tình trạng nghiêm trọng vì tổn thương phổi. Anh phải nghỉ thi đấu đến hơn 1 tháng trong khi các đồng đội khác chỉ mất hơn 1 tuần là hồi phục. Cuối cùng, Kimmich đã đồng ý tiêm và thừa nhận “đáng lẽ ra tôi phải tiêm sớm hơn”.
Bryson DeChambeau (Golf)
Nhà vô địch US Open 2020 tuyên bố với truyền thông Mỹ hồi tháng 8: “Vắc xin không cần thiết để ngăn ngừa dịch. Tôi còn trẻ, tôi không cần, thà nhường nó cho những người đang cần hơn. Tôi có sức khỏe và vẫn đang tiếp tục rèn luyện vì sức khỏe của mình”.
Tay golf 28 tuổi người Mỹ sau đó đã bị dương tính COVID-19 và bị “hành” khá nặng. Sau khi bình phục, anh sụt đến 4,5 kg. Từ một người vạm vỡ cơ bắp, anh trông gầy gò và dễ hụt hơi khiến thi đấu không thành công tại Olympic Tokyo 2020.
Bryson DeChambeau thừa nhận dù cả bố mẹ mình đã tiêm chủng nhưng anh chỉ cân nhắc tiêm nếu cảm thấy loại vắc xin phù hợp với tiêu chuẩn của mình. Tuy nhiên: “trải nghiệm sau khi bị nhiễm càng cho thấy tôi chẳng chút nhiệt tình nào với tiêm chủng”.
Kyrie Irving (Bóng rổ)
Ngôi sao NBA của Brooklyn Nets thẳng thừng từ chối tiêm, bị đình chỉ thi đấu đến hai tháng đầu tiên của mùa giải do từ chối tiêm. Nhưng ngay cả khi đã trở lại, cầu thủ từng vô địch NBA với Cleveland Cavaliers vào năm 2016 chỉ có thể đóng một vai trò mờ nhạt, không thể chơi ở các trận đấu trên sân nhà vì quy định tiêm chủng nghiêm ngặt tại New York.
Nói về lý do từ chối vắc xin, ngôi sao 29 tuổi cho rằng mình không chống đối tiêm chủng mà đơn giản chỉ là sự lựa chọn cá nhân. “Tôi đang làm những gì tốt nhất cho mình. Tôi biết hậu quả ở đây, và nếu điều đó xảy ra, có nghĩa là tôi bị chỉ trích và bị coi là quỷ dữ”.
Tennys Sandgren (Quần vợt)
Trong khi Djokovic và các luật sư tìm mọi cách để được thi đấu tại Australian Open thì Tennys Sandgren thậm chí còn chẳng thèm đoái hoài đến xin “miễn trừ y tế”. Tennys Sandgren từ chối tất cả các yêu cầu tiêm vắc xin ở mọi giải đấu, thà chịu ngồi nhà.
Tay vợt 30 tuổi người Mỹ sở hữu 2 suất vào tứ kết Úc cho biết anh không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để giành được ưu ái nào ở Úc nhưng cũng không lấy đó làm buồn. Anh ủng hộ tuyệt đối những việc làm của đồng nghiệp Djokovic và lên tiếng chỉ trích việc trục xuất: "Hai hội đồng y tế riêng biệt đã chấp thuận quyền miễn trừ của anh ấy. Nhưng các chính trị gia lại cố sức ngăn chặn. Úc không xứng đáng tổ chức một giải đấu quần vợt hàng đầu”.