Người dùng Việt thay đổi tâm lý mua sắm trong Tết 2022
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 14:30, 12/01/2022
Theo báo cáo Xu hướng tiêu dùng dịp Tết 2022 của Kantar, người dân Việt Nam có nhu cầu mua sắm Tết tăng mạnh hơn so với năm 2021 bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Ăn Tết lớn, mua sắm sớm
Cụ thể, theo báo cáo, tỷ lệ chi tiêu cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh dịp tết 2022 có thể tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dễ hiểu bởi sau thời gian dài giãn cách xã hội trong năm qua khiến nhiều người dân mong muốn đón Tết bên người thân, gia đình. Từ đó nảy sinh tâm lý “ăn Tết lớn” mừng đoàn viên sau đại dịch, dẫn đến nhu cầu mua sắm tăng mạnh hơn.
Đồng thời, báo cáo cũng cho thấy lo ngại tác động của dịch bệnh khiến người dân đang mua sắm Tết sớm hơn so mọi năm trước. Theo đó, 44% người được khảo sát cho biết họ có kế hoạch mua sắm cho dịp Tết sớm hơn 5-6 tuần trước Tết bởi nhiều lý do: tâm lý háo hức đón Tết sau 1 năm dịch bệnh, tận dụng mua sắm liền mạch từ Tết Dương lịch hay lo sợ dịch bệnh bùng phát gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng hóa...
Đặc biệt trong giai đoạn hiện tại với những diễn biến khó lường của dịch bệnh và sự xuất hiện của chủng mới Omicron, nhiều người tiêu dùng cũng có nhu cầu tích trữ hàng hóa và chuẩn bị tâm lý cho đợt dịch tiếp theo.
Chọn mua sắm online
Tuy nhiên, thay vì việc sẽ thường xuyên đi chợ, các siêu thị, trung tâm mua sắm để chuẩn bị cho Tết như mọi năm trước, người tiêu dùng năm nay đang có xu hướng trở nên quen thuộc hơn với loại hình mua sắm trực tuyến. Việc này dễ hiểu bởi mua sắm trực tuyến của nhiều người dân đã được “rèn luyện” thành thói quen từ thời gian giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, tâm lý “ngại” đi đến các điểm đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và thói quen hạn chế tiếp xúc cũng góp phần khiến đông đảo người dùng chọn sắm Tết trực tuyến.
Từ đó, các sàn thương mại điện tử đều nhận định lượng hàng được “chốt đơn” năm nay sẽ vô cùng lớn. Tín hiệu tốt từ các sàn lại vô tình đặt ra một "bài toán khó" cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh khi vừa phải quản lý lượng đơn hàng lớn vừa phải đảm bảo bưu kiện được tới tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn.
Theo ghi nhận, nhiều đơn vị vận chuyển đã có kế hoạch chủ động đón đầu nhu cầu tăng cao của khách hàng vào dịp Tết và đảm bảo tối ưu trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Chẳng hạn, J&T Express bên cạnh việc “bắt tay” với các sàn thương mại điện tử lớn còn ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu vận chuyển để tối ưu hóa quy trình xử lý, giao nhận hàng hóa. Doanh nghiệp này còn tăng cường mạng lưới bưu cục, đội ngũ giao nhận và chăm sóc khách hàng cũng như các biện pháp 5K, đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ nhân sự lẫn khách hàng.
Ông Phan Bình, giám đốc thương hiệu J&T Express, cho biết: “Đây vừa là một thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh như chúng tôi. J&T Express sớm nhận thức được tình hình này nên đã có những bước chuẩn bị rất mạnh về hạ tầng xử lý đơn hàng cũng như đội ngũ nhân viên giao nhận. Chúng tôi tự tin sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng đột biến trong mùa sắm Tết năm nay”.