Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 như thế nào để hạn chế di chứng?

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:46, 16/01/2022

F0 sau khi khỏi bệnh nếu biết kết hợp hài hòa giữa dinh dưỡng và tập dưỡng sinh sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe, hạn chế mắc di chứng hậu COVID.

Di chứng hậu COVID - mối lo cộng đồng

Hiện nay, song song với gánh nặng tiếp nhận, điều trị các ca nhiễm COVID-19, ngành y tế còn phải đối mặt với thực trạng người bệnh đã hồi phục nhưng vẫn có các triệu chứng kéo dài. Các bệnh sau khi mắc COVID-19 có thể biết đến như: Di chứng COVID, hội chứng COVID kéo dài, COVID-19 hậu cấp tính hoặc COVID mãn tính.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thống kê một loạt triệu chứng hậu COVID-19 và lưu ý vấn đề gặp ở một số bệnh nhân thể nhẹ như khó thở/thở gấp; mệt mỏi; khó chịu khi gắng sức; khó tập trung; ho; đau ngực; đau dạ dày; đau đầu; tim đập nhanh hoặc mạnh; đau khớp hoặc cơ; tiêu chảy,...

Trên thực tế, tình trạng người dân gặp các triệu chứng hậu COVID-19 đã được nhiều chuyên gia trong nước cảnh báo. Theo Trung tá, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phan Viết Nam - Học viện Quân y, tùy theo cơ địa và sức khỏe của từng người sẽ có hay không việc xuất hiện các triệu chứng hậu COVID.

Theo đó, bác sĩ Nam đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID với các triệu chứng dai dẳng đặc trưng, kéo dài từ một vài tuần đến 6 tháng.

Biểu hiện chủ yếu là khó thở, lo lắng, ra mồ hôi trộn, đau đầu, mệt mỏi, rụng tóc, đặc biệt là mất ngủ. Bác sĩ Nam cho biết, có nhiều trường hợp, các triệu chứng hậu COVID xuất hiện là do người bệnh lo lắng, sợ hãi, thậm chí gây trầm cảm.

Vì vậy, người bệnh sau khi âm tính với SARS-CoV-2 cần chú ý lắng nghe cơ thể mình, nếu có dấu hiệu bất thường nên đi khám để bác sĩ cho lời khuyên và hỗ trợ kịp thời.

Tích cực chăm sóc sức khỏe hậu COVID

Khẳng định một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID, bác sĩ Lê Xuân Thắng - Chuyên khoa nội tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho rằng, không phải bệnh nhân nào cũng khỏe mạnh hoàn toàn và ổn định tâm lý sau khi xuất viện, khỏi COVID-19.

Vì vậy, người đã khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, xây dựng chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, tạo sức khỏe và năng lượng, đồng thời loại trừ nguy cơ nhiễm các loại bệnh về sau.

Theo đó, cần chú trọng xây dựng thực đơn đủ 2.500 - 3.000 kcal/ngày, phân bổ glucid (carbohydrates), chất béo (lipid), chất đạm (protein) nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động hằng ngày. Đặc biệt, cần bổ sung vitamin tổng hợp từ thuốc hoặc vitamin tự nhiên có trong các loại hoa quả.

Bên cạnh đó, người khỏi bệnh có thể xuất hiện triệu chứng khó thở khi nghỉ ngơi, khi gắng sức hoặc lúc tập đi bộ, vì vậy cần vận động nhẹ nhàng, thả lỏng, mang tính chất làm quen. Đồng thời, cần tập thở - hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng, không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày. Bác sĩ Thắng cũng lưu ý, nên chọn chỗ thoáng, giàu oxy để tập thở hằng ngày.

Nhấn mạnh giai đoạn hậu COVID có thể để lại tâm lý nặng nề cho bệnh nhân do phải trải qua giai đoạn chiến đấu với bệnh dịch, bác sĩ Thắng khuyên người bệnh nên thoải mái tư tưởng, suy nghĩ về những điều tốt và tích cực. Không suy diễn tiêu cực, tránh gặp tình trạng đau đầu hay mất ngủ do hoảng loạn. Đặc biệt, việc trò chuyện cùng người thân, bạn bè sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh.

"Người sau khi khỏi bệnh nếu biết kết hợp hài hòa giữa dinh dưỡng và tập luyện sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe, hạn chế mắc di chứng hậu COVID. Cơ thể có sức đề kháng tốt, tinh thần thoải mái sẽ vượt qua được mọi chuyện" - bác sĩ Lê Xuân Thắng nhấn mạnh.

Thiều Trang