TPHCM triển khai khám cho 12.000 F0 bị hậu COVID-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 11:53, 16/01/2022

TPHCM -  Hôm nay, thành phố triển khai chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm COVID-19, với chủ đề Sức khỏe nhân dân - nụ cười thầy thuốc. Mục tiêu giúp F0 mắc hội chứng hậu COVID-19 mau chóng bình phục.

Theo thống kê của Hội Đông y TPHCM, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, hơn 80% bệnh nhân F0 đều có hội chứng hậu COVID-19. Đặc biệt, một số trường hợp có hiện tượng bị xơ phổi có thể phục hồi được mất dần theo thời gian hoặc kéo dài vài tháng và cũng có thể trở thành xơ hóa vĩnh viễn.

Nhìn chung, các hội chứng hậu COVID-19 xuất hiện khi bệnh nhân nằm viện từ 3-6 tháng sau khi bệnh nhân âm tính trở lại, hoặc điều trị tại nhà. Nằm viện càng lâu bệnh càng nặng và di chứng hậu COVID-19 ngày càng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh.

Nhằm kịp thời chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần cho người dân nhiễm hậu COVID-19, Hội Đông y TPHCM phối hợp cùng nhiều đơn vị như: Bệnh viện Nhi đồng 2, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Viện Y dược học dân tộc TPHCM, UBND Quận Phú Nhuận… cùng chăm sóc cho người dân.

Bà Thu đang được bác sĩ tư vấn, sàng lọc hậu COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly
Bệnh nhân đang được bác sĩ tư vấn, sàng lọc hậu COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly

Đơn cử như trường hợp bà L.T.T (64 tuổi, quận Phú Nhuận TPHCM). Khi mắc COVID-19, bà T đã điều trị 12 ngày ở Bệnh viện thu dung và điều trị COVID-19 số 3 và được xuất viện. Sau khi về nhà, bà T liên tục bị đau nhức cơ thể, lo âu, rụng tóc, đãng trí... khiến bà vô cùng lo lắng cho sức khỏe của mình.

“Tôi mệt nhiều lắm, đặc biệt hay lo lắng sợ chết. Ngày còn ở trong Bệnh viện thu dung và điều trị COVID-19 số 3 điều trị, tôi thấy nhiều người chết, rồi nghe tin bạn bè, người thân mất nữa nên giờ tôi luôn bị ám ảnh là mình chết, mệt mỏi, sức khỏe giảm đi nhiều” - bà T chia sẻ.

Trường hợp của bà T chỉ là một trong số 482 trường hợp được thăm khám và điều trị tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM trong ngày 15.1.2022. Đa phần các bệnh nhân đến đây khám đều có ít nhất 1 triệu chứng, các triệu chứng thường gặp như: Đau nhức mỏi, khó thở, đãng trí, hồi hộp, huyết áp không ổn định…

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM - cho biết: “Vấn đề điều trị COVID-19 chưa từng có tiền lệ, người dân rất lúng túng không biết mình bị bệnh gì, nên người dân đang rất cần một nơi nào đó để có sự tư vấn, sàng lọc, vì vậy chúng tôi đang làm công tác này. Đối với những bệnh nhân ở tình trạng nặng, chúng tôi sẽ chuyển đến chuyên khoa phù hợp như chuyên khoa hô hấp, chuyên khoa tim mạch, tâm thần… nếu cần can thiệp lâu dài”.

Dự kiến, trong khoảng từ ngày 16.1 - 29.4, chương trình sẽ hỗ trợ và thăm khám cho khoảng 12.000 người dân. Và từ ngày 2.5.2022 trở đi, hoạt động này sẽ được khám mỗi ngày khi có bệnh nhân đến.

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết thêm: “Một vấn đề mới phát sinh của thành phố là bắt đầu ghi nhận một số người gặp vấn đề sức khỏe sau khi mắc COVID-19 khá đa dạng. Ngành Y tế xem đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022.

NGUYỄN LY