Chính phủ Ấn Độ bất ngờ làm một việc, phát 'tín hiệu hòa bình' tới Trung Quốc?

Đối ngoại - Ngày đăng : 12:41, 15/01/2022

Hãng truyền thông Ấn Độ Herald đưa tin, Thủ tướng nước này Narendra Modi đã đưa ra quyết định ủng hộ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh ở cấp độ ngoại giao.
Chính phủ Ấn Độ bất ngờ làm một việc, phát 'tín hiệu hòa bình' tới Trung Quốc? (Nguồn: The Economic Times)
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi quyết định ủng hộ ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.

Theo hãng tin này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ phản đối việc ủng hộ này, song, chính quyền của ông Modi quyết định không phản đối Thế vận hội mùa Đông của Trung Quốc, điều này phù hợp với chính sách "láng giềng trên hết" của Ấn Độ.

Hiện chính phủ Ấn Độ chưa công bố phương thức “ngoại giao ủng hộ” Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, nhưng rất có thể sẽ cử quan chức cấp trung tham dự sự kiện.

Chính sách "láng giềng trên hết" thực chất nhằm nỗ lực khôi phục mối quan hệ tương tác lành mạnh với các nước láng giềng làm nền tảng của chính sách đối ngoại. Trên thực tế, Ấn Độ đã thực sự thu hút các quốc gia láng giềng trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, theo hãng thông tấn vệ tinh Nga, chính phủ của Thủ tướng Modi cũng bất ngờ phát đi "tín hiệu hòa bình" với Trung Quốc, theo đó, tuyên bố sẽ xem xét việc nới lỏng việc các khoản đầu tư của các công ty nước này vào Ấn Độ.

Hãng tin này cho rằng, một lý do quan trọng dẫn đến hành động của Ấn Độ là việc đầu tư ra nước ngoài của nước này đã gặp trở ngại và một số lượng lớn các công ty nước ngoài cần được thúc đẩy để đạt được sức sống kinh tế.

Động thái mới nhất có thể giúp hai "gã khổng lồ châu Á" có cơ hội thiết lập lại mối quan hệ và xoa dịu căng thẳng kéo dài hai năm.

Trong một diễn biến khác, liên quan căng thẳng ở biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, ngày 14/1, tờ South China Morning Post đưa tin, vòng đàm phán thứ 14 giữa hai nước đã kết thúc với thỏa thuận kiềm chế đối đầu lẫn nhau trong giai đoạn mùa Đông.

Trong một tuyên bố chung, Bộ Chỉ huy Chiến khu miền Tây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các quan chức quân sự Ấn Độ cho biết, họ sẽ duy trì sự ổn định ở các vùng lãnh thổ tranh chấp trong mùa Đông.

Xung đột Ấn-Trung ở Đông Ladakh ở phía Nam dãy Himalaya leo thang vào tháng 5/2020, khi lực lượng biên phòng của hai nước xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu.

Xung đột biên giới do thiếu đường phân giới rõ ràng diễn ra từ những năm 1950. Trung Quốc từ chối công nhận cái gọi là Đường McMahon, xác định biên giới giữa Tây Tạng và lãnh thổ của Ấn Độ. Cả hai bên đều tuyên bố vùng đất của họ đã bị chiếm đóng bất hợp pháp.

Vòng đàm phán thứ 13 giữa các nước về phân định biên giới ở Ladakh và ngừng đối đầu biên giới diễn ra vào ngày 10/10/2021 đã kết thúc mà không có kết quả.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau đó lưu ý sự cần thiết phải sớm tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn lại "với sự tôn trọng đầy đủ các thỏa thuận song phương vì lợi ích của hòa bình và yên tĩnh ở khu vực này".

Ngày 29/12/2021, được biết PLA đã triển khai hơn 200 robot đến các khu vực tranh chấp của Tây Tạng với Ấn Độ để thay thế các binh sĩ thông thường trong những đợt băng giá nghiêm trọng. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa 150 xe địa hình đến vùng căng thẳng này.

Việt Hà