“Ngại” đến trường học trực tiếp: Phải hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn tâm lý khi trở lại trường

Xã hội - Ngày đăng : 15:10, 14/01/2022

Sau một thời gian dài không được đến trường nhiều học sinh đối diện với tâm lý “ngại” quay lại trường và nhiều em còn gặp khó khăn về vấn đề tâm lý do học trực tuyến qúa lâu.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT tại Hà Nội tạm dừng đến trường từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021. Sau lễ khai giảng trực tuyến vào tháng 9/2021, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của Hà Nội học trực tuyến, trẻ mầm non ở nhà.

Hình thức học trực tuyến kéo dài đã dần tạo nên thói quen mới cho học sinh và dù học sinh đã được tiêm 2 mũi vắc xin nhưng phụ huynh và học sinh vẫn có tâm lý “ngại” đến trường, một số ít học sinh thì gặp những khó khăn về tâm lý nhất định cũng e ngại việc quay lại trường.

Em Nguyễn Minh Hùng (học sinh lớp 12 ở quận Hai Bà Trưng Hà Nội) cho biết sau thời gian dài học trực tuyến hiện nay em cũng bắt nhịp khá tốt nên cũng không còn hào hứng quay lại trường học trực tiếp như trước.

“Nếu giờ đi học trực tiếp thời điểm này khiến chúng em rất áp lực khi lớp học thưa thớt, cô giáo thì hay gọi kiểm tra bài tập, chúng em cũng không được thoải mái nô đùa trong giờ ra chơi.

Trong khi học trực tuyến cứ đến giờ là em ngủ dậy rồi ngồi vào bàn và mở máy tính học, đỡ mất thời gian di chuyển đến trường cũng chẳng cần lo chuyện quần áo đồng phục hay kiểm tra bài cũ như học trực tiếp.

Đó là chưa kể các bài kiểm tra bằng hình thức trực tuyến cũng dễ hơn, bọn em đỡ áp lực và căng thẳng” - em Hùng cho hay.

Cùng chung tâm trạng với Hùng, nữ sinh Nguyễn Ái Vân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết sau thời gian dài học trực tuyến em cũng không muốn tới trường vì trước đây em có xích mích với bạn học trong lớp và không muốn giáp mặt bạn ấy thêm nữa...

hoc-truc-tiep.jpeg
Ảnh minh họa

Phát biểu tại chương trình Kết nối và đồng hành với chủ đề Hỗ trợ tâm lý học sinh trở lại trường học sau giãn cách TS. Khúc Năng Toàn (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ với trải nghiệm của học sinh ở giai đoạn trước thay đổi trở lại trường thì đây là trải nghiệm mang tính “nhạy cảm”.

Học sinh sẽ có suy nghĩ về những gì đang đón đợi các em ở nhà trường. Nếu như những tiên liệu, suy đoán của học sinh hướng vào những tiêu cực như yêu cầu học tập nặng nề, nhiều bài tập; băn khoăn về bạn bè… thì chắc chắn việc đến trường sẽ gặp khó khăn.

“Những học sinh có suy nghĩ tích cực về quá trình trở lại sẽ có nguy cơ ít. Những học sinh có suy nghĩ tiêu cực liên quan đến quá trình trở lại trường thì nguy cơ gặp khó khăn tâm lý cao.

Vì thế, thầy cô phải tìm hiểu xem trước đây học sinh có vấn đề gì ở trường học hay không. Trong quá trình học online ở nhà, học sinh có những trải nghiệm tiêu cực nào không hay trước khi trở lại trường suy nghĩ, cảm nhận của các em là gì. Nếu như thầy cô nắm được những điều đó thì có thể dự báo, dự đoán được những khó khăn mà học sinh có thể sẽ gặp phải khi trở lại trường học” - TS. Khúc Năng Toàn nói cách tháo gỡ những băn khoăn cho học sinh khi trở lại trường.

Còn PGS.TS Vũ Thị Khánh Linh (Khoa Tâm lý- Giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì cho rằng các dấu hiệu cho thấy học sinh đang gặp khó khăn tâm lý mà thầy cô dễ dàng quan sát được đó là thay đổi về mặt tâm trạng, khí sắc.

Các em có thể sẽ có cảm xúc thất thường, vui buồn bất chợt và đi kèm là khí sắc lúc nào cũng ủ ê, giờ giấc sinh hoạt thay đổi. Trong giờ ra chơi hay thu mình, thoái lui khỏi các mối quan hệ trong khi đó trước đây có thể rất hoà đồng, vui vẻ hoặc biểu hiện sợ tiếng ồn hay bồn chồn, bất an, quên những nhiệm vụ thầy cô giao…

“Nếu những biểu hiện này diễn ra trong thời gian dài, lặp đi lặp lại sẽ là những dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp khó khăn tâm lý. Nhận diện đúng những khó khăn tâm lý mà học sinh đang gặp phải sẽ giúp giáo viên đề ra phương pháp, cách thức xử lý hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn khi trở lại trường”, PGS.TS Vũ Thị Khánh Linh nhấn mạnh.

MINH AN