Thục phi Văn Tú - Người phụ nữ "dám" đệ đơn ly hôn hoàng đế Phổ Nghi
Dòng chảy - Ngày đăng : 19:50, 13/01/2022
Trong một xã hội phong kiến, Thục phi Văn Tú nổi lên như một người phụ nữ đặc biệt. Bà dám giải phóng bản thân, khởi xướng cuộc "khởi nghĩa thê thiếp" khi sống trong cuộc hôn nhân bất hạnh. Vụ ly hôn của Văn Tú với hoàng đế Phổ Nghi từng gây xôn xao dư luận vào năm 1931.
Văn Tú sinh ngày 20 tháng 12 năm 1909. Bà xuất thân từ gia tộc Ngạch Nhĩ Đức Đặc thị của Mông Cổ Tương Hoàng kỳ. Cha của bà là Đoan Cung, người từng giữ chức nội vụ phủ chủ sự và mẹ của bà là Tưởng thị, là kế thất của Đoan Cung. Gia tộc của Văn Tú từng có bốn đời làm quan to nhưng dần suy tàn. Sau khi bố của Văn Tú và vợ cả qua đời, mẹ bà rất vất vả để có thể duy trì cuộc sống, nuôi bốn đứa con nhỏ trong đó có cả con gái của vợ cả của chồng.
8 tuổi, Văn Tú đổi tên thành Phó Ngọc Phương và được mẹ cho đi học. Phó Ngọc Phương là một cô bé rất thông minh, học giỏi. Không chỉ thành thạo piano, cờ vua, thư pháp và hội họa, cô bé còn luôn làm rất tốt các bài tập về nhà như tiếng Trung và số học.
Năm 1921, Văn Tú nằm trong danh sách những ứng cử viên được triều đình nhà Thanh chọn cho ngôi vị hoàng hậu. Các ứng viên được chụp ảnh và gửi những bức ảnh cho Phổ Nghi. Phổ Nghi từng tuyên bố rằng thực tế ông đã chọn Văn Tú làm hoàng hậu chứ không phải Uyển Dung. Tuy nhiên, sự lựa chọn của Phổ Nghi đã không được chấp thuận. Các phi tần của Quang Tự Đế - vị vua tiền nhiệm - đã thuyết phục Phổ Nghi chọn Uyển Dung làm hoàng hậu của mình còn Văn Tú được phong làm Thục phi. Văn Tú được đưa vào cung, trở thành phi tần của vua khi mới 13 tuổi.
Hoàng hậu Uyển Dung không hài lòng với việc Phổ Nghi có thê thiếp khác. Bà từng viết một số lá thư cho Văn Tú nhằm mục đích bắt nạt hoặc trêu chọc khi cả hai cùng sống trong Tử Cấm Thành. Thục phi Văn Tú từng lịch sự trả lời một trong những bức thư của hoàng hậu và sửa lỗi chính tả trong bức thư đó.
Thục phi Văn Tú không được hoàng đế sủng ái và bà từng kể về thời gian sống cô đơn ở Tử Cấm Thành rằng: "Có một máy phát điện trong cung điện nhưng nó thường xuyên bị hỏng và việc mất điện thường xảy ra. Phổ Nghi không sống với Hoàng hậu hoặc phi tần, vì vậy tôi phải sống một mình trong cung Trường Xuân rộng lớn. Đêm dài quá kinh khủng, nỗi cô đơn trong lòng khó có thể gạt bỏ. Tôi thường thắp một ngọn nến rồi đối diện với ngọn nến trong sự cô đơn, đợi đến khi ngọn nến cháy hết. Tôi thấy mình giống như ngọn nến cháy dở này, nước mắt cứ chảy ra với suy nghĩ, chẳng bao lâu nữa cuộc đời sẽ tan thành mây khói. Nơi này có thực sự là một cung điện nguy nga không? Hay có thể đó chỉ là một nấm mồ rùng rợn".
Năm 1924, hoàng đế Phổ Nghi và hoàng thất nhà Thanh bị tướng Phùng Ngọc Tường ép phải rời khỏi Tử Cấm Thành. Khi rời đi, Phổ Nghi đưa Uyển Dung và Văn Tú theo cùng. Họ đến sống tại Thuần vương phủ. Văn Tú từng kể rằng: "Phổ Nghi và Uyển Dung sống trên tầng hai còn tôi sống trong một căn phòng cạnh phòng khách của Phổ Nghi ở tầng một. Mặc dù chúng tôi sống cùng trong một tòa nhà nhưng chúng tôi không gặp nhau nếu không có việc gì quan trọng. Chúng tôi dường như là những người hoàn toàn xa lạ với nhau".
Sống cuộc đời không hạnh phúc trong 9 năm, Thục phi Văn Tú đã bí mật lên kế hoạch ly hôn Phổ Nghi với sự giúp đỡ của chị gái. Bà sử dụng một chuyến đi chơi với chị gái như một cơ hội để trốn khỏi Thuần vương phủ. Văn Tú và chị gái đến một khách sạn nơi các luật sư đang đợi. Bà đã đệ đơn xin ly dị hoàng đế Phổ Nghi và được chấp thuận ly hôn vào năm 1931, chỉ vài tháng trước khi Phổ Nghi và Uyển Dung chuyển đến Manchukuo. Anh trai của Văn Tú từng khuyên Văn Tú không nên ly hôn bởi sự việc sẽ gây chấn động lớn nhưng Văn Tú vẫn quyết tâm bỏ người chồng mà bà cho rằng "không thể chịu đựng được".
Sau khi đệ đơn ly dị, Văn Tú được chồng cũ chu cấp 55 nghìn NDT. Tin tức về vụ ly hôn của Thục phi lan rộng và người ta bắt đầu đồn thổi về "cuộc cách mạng vợ lẽ". Nhiều người nghe tin đã tìm đến Văn Tú để tận mắt ngắm nhìn một vị phi tần "dám" ly dị với nhà vua. Các phóng viên cũng kéo tới nhà Văn Tú và bà từng phải sống rất căng thẳng, lo lắng trong một thời gian dài.
Văn Tú mua một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh, Trung Quốc để sống ẩn dật. Bà không còn sử dụng tên Văn Tú nữa mà quay lại với tên Phó Ngọc Phương như ngày còn đi học. Do từng được đào tạo bài bản về hội họa và tiếng Trung khi còn ở trong hoàng tộc, Văn Tú quyết định trở thành giáo viên dạy ở một trường tư ở Bắc Kinh. Tuy nhiên với thân phận quá đặc biệt, mong muốn sống cuộc sống bình thường của Phó Ngọc Phương cũng khó thành hiện thực. Phóng viên thường xuyên kéo tới ngôi trường mà bà giảng dạy và bà phải bỏ nghề giáo viên vào năm 1933. Cuộc sống sau đó của cựu thục phi vô cùng khó khăn. Bà phải bán thuốc lá ngoài đường để kiếm sống.
Sau năm 1945, Văn Tú trở thành nhân viên soát chính tả của nhật báo Hoa Bắc và được giới thiệu với Lưu Chấn Đông - thiếu tá trong quân đội Quốc dân đảng. Cặp đôi kết hôn vào năm 1947 tại Bắc Kinh. Tới năm 1949, nội chiến kết thúc, chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp quản Bắc Kinh, Lưu Chấn Đông do từng làm việc cho Quốc dân đảng nên bị giao về cho địa phương giám sát quản chế. Sau thời gian bị quản chế, Lưu Chấn Đông trở thành công nhân vệ sinh. Ông và vợ Văn Tú có cuộc sống nghèo khó trong một ngôi nhà chỉ rộng chừng 10 m2.
Năm 1953, Văn Tú qua đời do nhồi máu cơ tim khi chưa kịp đón sinh nhật lần thứ 44. Bà qua đời lúc 10 giờ đêm và chỉ có chồng ở bên cạnh. Năm 2004, hậu duệ của nhà Thanh đã truy tặng di cảo cho hoàng đế Phổ Nghi và các phi tần của ông. Tuy nhiên, Văn Tú không nhận được một phong hiệu nào do đã bị phế làm thường dân sau khi ly hôn hoàng đế Phổ Nghi.
Văn Tú qua đời khi còn khá trẻ và không có con cái. Bà có cuộc sống lận đận, truân chuyên nhưng so với những người phụ nữ cùng thời, Văn Tú can đảm hơn nhiều. Bà dám đấu tranh chống lại vận mệnh của chính mình để được sống cuộc đời tự do và theo đuổi những ước muốn của bản thân.