Phụ huynh cần chuẩn bị gì cho trẻ mầm non đến trường sau đại dịch?

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 15:37, 13/01/2022

Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết từ tháng 2 đến tháng 7, trẻ em tại TP.HCM có thể đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Thời gian dự kiến kết thúc năm học là 29/7.

Khi hay tin trường học sẽ được mở cửa trở lại, nhiều phụ huynh cũng vui mừng vì sau gần một năm nghỉ học cuối cùng con cũng được đến trường nhưng nhiều người cũng tỏ ra lo lắng nhiều hơn về an toàn của con.

Nhiều cha mẹ còn băn khoăn

Cụ thể, một số phụ huynh cho biết vẫn chưa sẵn sàng đưa con trở lại trường. Chị Nguyễn Thị Bình (quận Bình Tân, Tp.HCM) cho hay: “Con được quay lại trường theo hình thức tự nguyện, gia đình tôi đang lưỡng lự, để trường mở cửa ít hôm xem tình hình thế nào rồi tính tiếp. Chúng tôi không vội vàng vì phải đặt an toàn của con lên trên, dù có hơi vất vả sắp xếp giữ con để đi làm”.

Gia đình anh Nguyễn Quang Thái (quận Bình Thạnh) có hai con đều ở tuổi mầm non trong khi bà nộilại yếu nên anh Thái cũng mong các con sớm được quay lại trường an toàn.

“Tôi dự định sẽ cho con quay lại trường theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, gần 1 năm qua hai con ở nhà nên giờ cho các con đi học khó tránh việc các con quấy khóc nên tôi cũng rất lo lắng”, anh Nguyễn Quang Thái nói.

mam-non2.jpeg
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia giáo dục, dù trẻ mầm non đến trường không đặt nặng vấn đề học nhưng đó là môi trường để trẻ rèn luyện tính tự lập, kỷ luật, nền nếp… Vì vậy, phụ huynh có thể thoải mái, đừng áp lực cho các con.

Bên cạnh các biện pháp phòng dịch từ nhà trường, yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo an toàn đến từ chính ý thức của các bé.

Vấn đề của người lớnlà hãy giảng giải cho con hiểu để con nghiêm túc, có ý thức chủ động thực hiện những việc này, ngay cả khi không có sự giám sát của người lớn.

Phụ huynh cần chuẩn bị gì để con có tâm thế tốt nhất?

Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương - Đại học Sư phạm Hà Nôi với các bé mầm non, nhà trẻ thì bố mẹ và cô giáo vất vả hơn nhiều trong những ngày đầu quay lại trường. Sau kỳ nghỉ dài, các con không thích đến lớp, nhiều bé còn tỏ ra phản kháng mạnh bằng việc nằng nặc khóc và không đi học là điều bình thường.

Để con có tâm thế tốt nhất khi quay lại trường thì cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường sau “kỳ nghỉ đặc biệt” và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài ra, trước khi đi học 2 ngày, bố mẹ tập lại thói quen cho các con đi ngủ sớm, thức dậy sớm, ăn sáng cũng sớm hơn. Trẻ lớn hơn xíu thì bố mẹ nên dặn con việc rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác, hạn chế chạy nhảy lung tung.

“Chúng ta cần trò chuyện với con về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt. Những dự định kế hoạch của con sẽ diễn ra như thế nào?. Chúng ta cũng cần nói với con về việc lần này quay trở lại trường học, đến trường con sẽ được gặp ai? Được học và chơi những gì mà trẻ thích cũng như việc làm phòng dịch Covid 19 để bảo vệ cơ thể…

Song cha mẹ cũng không nên quan trọng hóa vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng mà chỉ nói để trẻ hiểu rằng đó là những kỹ năng, những cách thức chúng ta bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh: Như việc con đeo khẩu trang hay rửa tay thường xuyên…”, chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương nói.

Ở lớp thì đòi hỏi cô giáo phải dỗ dành, tập lại các thói quen hàng ngày cho trẻ để con thích ứng lại từ từ, tuyệt đối không đánh mắng hay dọa nạt.

Nếu cần, giáo viên nên thực hiện tiết học kể chuyện, xếp đồ chơi, đưa vào nếp sinh hoạt để trẻ yêu thích lại việc đến trường trước rồi bắt nhịp vào chương trình học chứ giáo viên đừng quá cứng nhắc theo chương trình sẽ khiến các con có tâm thế sợ đến trường vào những ngày hôm sau.

MINH AN (tổng hợp)