Quốc gia cứ 5 người làm xét nghiệm phát hiện 2 ca mắc Covid-19

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:06, 13/01/2022

Tính trung bình, cứ 5 người lấy mẫu xét nghiệm, Philippines lại phát hiện 2 trường hợp mắc Covid-19.

Tỷ lệ dương tính với Covid-19 ở Philippines đang ở mức cao kỷ lục làm dấy lên nỗ lo sợ nước này sẽ phải tái thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), không riêng Philippines, tỷ lệ mắc Covid-19 trên toàn khu vực châu Á cũng đang tăng nhanh, giữa lúc các nước chứng kiến tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron sau khi Delta hoành hành trong khu vực hồi năm ngoái.

Quốc gia cứ 5 người làm xét nghiệm phát hiện 2 ca mắc Covid-19
Cứ 5 người làm xét nghiệm tại Philippines phát hiện 2 ca mắc Covid-19. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tính tới ngày 10/1, tỷ lệ dương tính khi làm xét nghiệm Covid-19 ở Philippines là 46%, đồng nghĩa với việc cứ 5 người làm xét nghiệm thì 2 người có kết quả nhiễm virus corona. Tỷ lệ này cao gấp 4 lần so với cuối năm 2021. Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở Philippines do biến chủng Omicron lây lan trong giai đoạn nghỉ lễ Giáng sinh và đón Năm mới.

Sự bùng phát trở lại của số ca mắc Covid-19 với con số kỷ lục 33.169 trường hợp vào ngày 10/1, đã khiến hoạt động hàng không và các bệnh viện ở Philippines bị gián đoạn. Thậm chí, 1/5 chi nhánh các ngân hàng ở thủ đô của Philippines đã phải đóng cửa do thiếu nhân viên làm việc.

Trong bối cảnh số ca mới nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tăng và hơn 1/2 số giường trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện đã có người nằm, khả năng chính phủ Philippines sẽ sớm phải tái áp đặt các biện pháp phòng bệnh khắt khe.

Trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết các quan chức y tế đang cân nhắc cắt giảm thời gian thực hiện cách ly. Cũng theo bà Vergeire, số ca mắc Covid-19 ở thủ đô Manila gia tăng, nhưng số ca bệnh nặng không tăng theo. Song điều này không có nghĩa là các bệnh viện được giảm gánh nặng.

Vào ngày 12/1, phòng giao thông của vùng thủ đô Manila đã bắt đầu thực hiện chính sách “không tiêm vắc xin, không đi/ không vào” nhằm cấm những hành khách chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19 sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng ở khu vực thủ đô.

Theo đó, hành khách sử dụng dịch vụ giao thông công cộng phải xuất trình giấy xác nhận đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 bằng bản giấy hoặc bản điện tử. Những người có bệnh lý và không thể tiêm phòng cũng phải trình giấy chứng nhận y tế.

Đối với những người chưa tiêm phòng nhưng cần phải ra ngoài để mua bán đồ thiết yếu hoặc sử dụng các dịch vụ thiết yếu sẽ được sử dụng phương tiện công cộng, nếu như họ có chứng nhận y tế thông qua của các quan chức khu vực, hoặc các giấy tờ cấp phép cho đi lại.

Tính tới ngày 11/1, hơn 53 triệu người tương đương 48% trong tổng dân số 110 triệu người tại Philippines đã được tiêm phòng.

Indonesia triển khai tiêm mũi tăng cường

Indonesia tiến hành tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường cho toàn dân từ ngày 12/1, sau khi quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới trải qua 3 tháng có số ca mắc Covid-19 duy trì ở mức cao do sự hoành hành của biến chủng Omicron.

Người già và những người có hệ miễn dịch yếu là hai đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 tại Indonesia đã tới xếp hàng tại các điểm tiêm phòng để chờ tiêm. Hơn 4 triệu người Indonesia được xác định đã mắc Covid-19 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện.

“Tôi cảm thấy khỏe hơn. Hiện giờ biến chủng Omicron đang hoành hành, mũi vắc xin tăng cường khiến tôi bớt căng thẳng”, bà Nurlaeni (77 tuổi) chia sẻ sau khi tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 3 vào sáng ngày 12/1.

“Đối với tôi và gia đình, vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe. Cả cộng đồng sẽ khỏe mạnh hơn nhờ tiêm vắc xin”, bà Rosita Wati (62 tuổi) nói.

Trong thông báo hôm 11/1, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh mũi tăng cường sẽ được tiêm miễn phí cho toàn người dân Indonesia đủ tiêu chuẩn để tiêm phòng, sau khi ý kiến thu phí người tiêm mũi 3 vấp phải sự chỉ trích.

Hiện Indonesia sử dụng các loại vắc xin Covid-19 Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Zifivax để tiêm mũi 3.

Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, nước này đặt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 208 triệu người trong tổng dân số 270 triệu người. Nhưng cho tới nay, chưa tới 56% dân số Indonesia đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19.

Các chuyên gia nhận định tâm lý chần chừ tiêm phòng và địa hình nhiều đảo khiến Indonesia gặp khó trong hoạt động phân phối và hoàn thành kế hoạch tiêm phủ vắc xin Covid-19.

Minh Thu (lược dịch)