Từ vụ Tân Hoàng Minh ở Thủ Thiêm: Kiến nghị cần tăng mạnh tiền cọc
Kinh doanh - Ngày đăng : 09:26, 13/01/2022
Thông tin Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng viết "tâm thư" xin bỏ cọc sau khi trúng đấu giá lô đất vàng ở Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua.
Bên cạnh những vấn đề đặt ra trong vụ việc cụ thể ở Thủ Thiêm, nhiều chuyên gia, cơ quan thiết kế chính sách cũng nhìn rộng ra những điểm được cho là bất cập trong quy định đấu giá hiện nay.
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - đặt ra những nghi ngại khi bình luận về câu chuyện Tân Hoàng Minh trúng đấu giá miếng đất Thủ Thiêm với giá trị rất lớn rồi xin bỏ cọc.
Liên hệ thêm với tình trạng ở nhiều vụ đấu giá hiện nay, ông Lâm đặt ra vấn đề về chiêu trò làm giá trên thị trường. Ông cho biết, thị trường có không ít vụ đấu giá rất cao rồi bỏ cọc. "Liệu có khả năng đặt ở mức giá rất cao để tạo ra sốt giá khu vực đấy hay không", ông Lâm nói.
Vị này cho rằng cần phải hoàn chỉnh pháp luật một cách chặt chẽ về đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng nhà đầu tư tham gia đấu giá thì phải có trách nhiệm tài chính đảm bảo.
Cụ thể, để chặt chẽ hơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề xuất tăng mức tiền đặt cọc. "Mất nhiều thì người ta sợ, người ta phải tính kỹ hơn. Cái lợi không bù đắp được thiệt hại thì họ sẽ không làm", ông Lâm nói. Theo vị này, hiện nhiều nơi tổ chức đấu giá, nhiều môi giới, đầu cơ lao vào "làm giá", không ít nơi diễn ra tình trạng bỏ cọc. Điều này gây nhiều hệ lụy cho thị trường.
Từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cũng nêu một số bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
Cụ thể, ông chỉ ra bất cập của quy định nộp "tiền đặt trước" để được tham gia đấu giá. Theo đó, Khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá Tài sản 2016 quy định: "1. Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm (5%) và tối đa là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá".
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM ban hành "Quy chế cuộc đấu giá tài sản" 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm quy định "tiền đặt trước tương đương 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá". Luật Đấu giá 2016 quy định phải nộp tiền đặt trước với mức tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá nhưng theo ông Châu, lại không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm "tiền đặt trước" hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung "tiền đặt trước".
Ngoài hai văn bản nêu trên, ông Châu cũng cho rằng nên có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư "trả giá" tài sản đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với "giá khởi điểm của tài sản đấu giá". Đối chiếu với cuộc đấu giá tài sản có giá trị rất lớn như trường hợp đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên đây thì theo ông, các quy định nêu trên là cần thiết để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của nhà đầu tư.
Chủ tịch HoREA cho rằng, đấu giá đất có thể tham khảo kinh nghiệm về quản lý "giao dịch chứng khoán" trong việc ngăn ngừa trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh mua chứng khoán trên sàn chứng khoán nhưng lại không có đủ năng lực tài chính.
Cụ thể, điểm a Điều 7 Thông tư 120 của Bộ Tài chính đã quy định "nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua chứng khoán khi có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán (…); nhà đầu tư được đặt lệnh mua chứng khoán và công ty chứng khoán được thực hiện lệnh mua chứng khoán khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc ngân hàng lưu ký chấp nhận yêu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư".
Phân tích rõ hơn, ông Châu lấy ví dụ điển hình là ô 3.12 mà Tập đoàn Hoàng Minh xin bỏ cọc có giá khởi điểm đấu giá là 2.942 tỷ đồng, "tiền đặt trước" (20%) chỉ là 588,4 tỷ đồng, nhưng giá trúng đấu giá đã lên đến 24.500 tỷ đồng, gấp 41,6 lần số "tiền đặt trước".
Theo ông, do quy định về việc nhà đầu tư "phải nộp tiền đặt trước tối thiểu bằng 5% và tối đa bằng 20% giá khởi điểm đấu giá" mà không quy định chặt chẽ nên trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đã nộp "tiền đặt trước" có giá trị thấp, nhưng sau cuộc đấu giá đã "xù" không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất "tiền đặt trước"; hoặc có trường hợp nhà đầu tư "dây dưa" kéo dài việc thanh toán.