Vấn đề Ukraine: Mỹ âm thầm làm một điều cho Kiev? NATO hứa hẹn

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:58, 12/01/2022

Ngày 11/1, CNN dẫn một số nguồn tin cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã âm thầm phê duyệt gói viện trợ an ninh bổ sung trị giá 200 triệu USD cho Ukraine vào cuối tháng 12/2021.
Vấn đề Ukraine: Mỹ âm thầm làm một điều cho Kiev? NATO hứa hẹn. (Nguồn: AFP)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: AFP)

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong năm 2021, Mỹ cung cấp cho Ukraine hơn 450 triệu USD viện trợ quốc phòng, nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014.

Trước đó, ngày 8/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, nếu Nga có thêm các hành động gây hấn với Ukraine, Mỹ sẽ cấp thêm vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, một số ý kiến đánh giá, các gói viện trợ quân sự này của Mỹ không đủ lớn để thay đổi cuộc chơi hay gây trở ngại đáng kể trong trường hợp Nga tấn công Ukraine.

Liên quan Ukraine, ngày 10/1, Ủy ban Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)-Ukraine đã nhóm họp tại Brussels.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu, trước thềm cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO về các đề xuất an ninh mà Moscow đưa ra.

Theo ông Stoltenberg, đây là cơ hội để trao đổi, đánh giá tình hình và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước NATO đối với Ukraine trước các cuộc đàm phán ngoại giao với Nga.

Nhà lãnh đạo NATO nhấn mạnh, các sự kiện ngoại giao trong tuần này dù không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng có thế giúp bắt đầu quá trình đàm phán nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Âu.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu đã đến lúc NATO cho phép Ukraine tham gia Kế hoạch hành động thành viên (MAP) hay chưa, ông Stoltenberg đảm bảo, liên minh quân sự này sẽ giúp Kiev đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên của khối.

Tổng thư ký NATO tuyên bố, chính các đồng minh NATO và Ukraine sẽ quyết định thời điểm quốc gia Đông Âu sẵn sàng gia nhập khối và "không có ai khác có quyền có ý kiến gì về việc này".

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng về Hội nhập châu Âu của Ukraine Olha Stefanishyna cho rằng, các cuộc thảo luận về an ninh nên bắt đầu bằng việc Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine.

Theo bà Stefanishyna, không thể coi các yêu cầu của Nga như một vị thế đàm phán vì “kẻ xâm lược không có tư cách để đưa ra các điều kiện” và Moscow đang yêu cầu NATO đầu hàng vô điều kiện, điều này sẽ làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản của các nền dân chủ NATO.

Việt Hà