Tùy ý dùng thuốc trị Covid-19, F0 đối mặt với những nguy cơ gì? Tin Y tế - Ngày đăng : 13:37, 12/01/2022
Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Việc dùng các thuốc kháng virus cần đúng chỉ định.
Thời gian gần đây, tình trạng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội đang tăng nhanh, nhiều người dân đã tự ý tìm mua tích trữ và tự ý sử dụng thuốc trị Covid-19 kể cả khi bản thân không phải là F0. Thế nhưng, việc dùng sai thuốc có thể để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Các bài viết quảng cáo bán thuốc molnupiravir trên mạng xã hội.
Thuốc trị Covid-19 tràn lan trên "chợ mạng"
Lợi dụng tâm lý và nhu cầu tích trữ của người dân, nhiều người đã rao bán các sản phẩm thuốc kháng virus trên "chợ mạng" có nhiều nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu đều chứa hoạt chất chính là molnupiravir hoặc favipiravir.
Chỉ cần không đến 5 phút lướt trên các trang mạng có thể bắt gặp hàng trăm lời quảng bá về các loại thuốc trị Covid- 19 "xách tay" với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn, và hướng dẫn cách sử dụng…
Thuốc được tư vấn là thuốc điều trị Covid-19 của Nga, có tác dụng ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm Covid-19. Thuốc có nhiều dạng, dùng cho các lứa tuổi và giá thì "trên trời.
Cụ thể, liệu trình 40 viên 10 triệu, hộp 100 viên 13 triệu, 17 viên giá gần 3 triệu…Thuốc molnupiravir 400mg được chào bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên; molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang; thuốc arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 290-350 ngàn đồng/hộp 10 viên; thuốc areplivir có giá từ 2,1-2,5 triệu đồng/hộp; thuốc favipiravir và remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng...
Mặc dù giá bán "cắt cổ" như thế nhưng nhiều người dân vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua, thậm chí là "ôm" thuốc để phòng trường hợp cần đến.
"Cơ quan tôi mới có F0, nhà có con nhỏ, bố mẹ già, nên cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng. Qua tham khảo trên mạng thấy có rất nhiều loại thuốc trị Covid-19 của nước ngoài với nhiều loại giá khác nhau và đã tìm mua một số loại như: Favipiravir, molnupiravir, areplivir, arbidol… với số tiền gần 10 triệu đồng", Sức khỏe & Đời sống dẫn lời chị Đ.T.H..
Trước đó, trong cuộc họp ngày 8/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế cho biết, thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành có điều kiện tại Anh (ngày 4/11/2021), phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Mỹ (ngày 23/12/2021), tại Nhật Bản (ngày 25/12/2021) và phê duyệt sử dụng tại một số quốc gia khác để điều trị Covid-19.
Căn cứ các chỉ định, các khuyến cáo của thuốc Molnupiravir được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Quản lý Dược và Sản phẩm Y tế của Anh (MHRA).
Có cả những hội nhóm lập ra để bán thuốc Molnupirravir với hàng trăm thành viên tham gia
"Tiền mất, tật mang" khi sử dụng thuốc chữa Covid-19 không đúng cách
Theo Dân Trí đưa tin, bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Khoa Huyết học, Bệnh viện Quân y 103, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết, khi biết bản thân mắc Covid-19, hầu như ai cũng có tâm lý lo lắng, tự lên mạng mua các thuốc kháng virus của Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… về uống.
Đây đều là các thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, hàng xách tay nên dù bệnh nhân có chỉ định dùng hoạt chất đó nhưng không rõ nguồn gốc nên bác sĩ cũng không thể tư vấn dùng.
Theo BS Hiệp, điều này mang lại hiệu quả không tốt, thậm chí quá liều có thể dẫn đến ngộ độc với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt…
"Cá biệt có trường hợp mới chỉ là F1 đã mua thuốc kháng virus xách tay để dùng. Thuốc kháng virus phải dùng đúng chỉ định mới có tác dụng, không thể dùng như thuốc bổ được", BS Hiệp nói.
Hiện tại, có 3 loại thuốc kháng virus được sử dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam: molnupiravir, favipiravir, remdesivir. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, chỉ có favipiravir hàm lượng 200/400mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sĩ chỉ định.
Thuốc remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và cũng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Molnupiravir đang được dùng trong các chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát. Thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ và vừa, không được bán trên thị thường.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), dựa trên các kết quả thu được từ nghiên cứu về sinh sản ở động vật, molnupiravir có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên bào thai khi được sử dụng cho các cá thể động vật mang thai.
Tuy nhiên, hiện chưa có các dữ liệu về việc sử dụng molnupiravir trên người để đánh giá tác động của molnupiravir đến nguy cơ gây ra các dị tật bẩm sinh, sẩy thai hoặc các nguy cơ liên quan đến thai kì khác.
Những bài đăng tràn lan trên MXH với giá "trên trời"
Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng thuốc Đối với phụ nữ có thai và cho con bú: - Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. - Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Đối với nam giới Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường ĐH Dược Hà Nội) cho biết, vì không biết liệu molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng hay không, FDA khuyến cáo nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên: Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Ghi nhận của Doanh nghiệp & Tiếp thị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam, favipiravir được dùng cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. Bệnh nhân khi sử dụng favipiravir cần chú ý ít nhất 2 ngày đầu dùng thuốc do có thể gây rối loạn tâm thần. Các bệnh nhân có tiền sử gout cũng cần chú ý khi sử dụng thuốc vì có thể làm tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.