Xu hướng “thay trời hành đạo” hay việc “bạo hành thông tin”

Xã hội - Ngày đăng : 13:15, 11/01/2022

Những ngày qua, việc chia sẻ thông tin không chính thức, chưa kiểm chứng của vụ tịnh thất Bồng Lai như những cơn lốc cuốn đi tưởng như không có điểm dừng, bất chấp những hệ lụy không đáng có, mà cụ thể là những đứa trẻ trong câu chuyện này, phải gánh chịu mãi về sau!

Nhiều tài khoản mạng xã hội đã lan truyền bản đồ họa cây phả hệ được loan đi một cách không chính thức, bảng khám nghiệm ADN không biết ở đâu ra mà lưu lạc khắp nơi một cách chóng mặt trên mạng xã hội, người ta vô tư chia sẻ, bình luận về tất cả những hình ảnh của những người ở Tịnh thất Bồng Lai, nhất là những đứa trẻ đang bị “công chiếu” loạn xạ trên mạng xã hội.

hinh-2-ttbl(2).jpg
Quang cảnh bên ngoài tịnh thất Bồng Lai. (Ảnh Thanh Niên)

Những người đứng ngoài “cơn bão share, like”

Đến độ, nữ ca sĩ Mỹ Lệ đã phải gay gắt rằng: “Phụ nữ và trẻ em sống trong Tịnh thất Bồng Lai họ có lỗi gì không ? Sao các bạn đem tên tuổi và thông tin cá nhân của họ ra làm trò đùa. Quyền bí mật về đời sống riêng tư của con người là bất khả xâm phạm, những người phụ nữ, trẻ em và nhiều thanh thiếu niên sống ở tịnh thất không phạm tội, họ có quyền được bảo vệ nhân thân. Ở giữa xã hội văn minh thời nay mà còn bị đem ra đấu tố, cợt nhả như kiểu ngày xưa gái chửa hoang bị gọt đầu bôi vôi, thật man rợ! Đừng góp phần mình trong cái sự man rợ ấy, tôi xin.”

Trước đó, nhà văn Trần Thu Hà có lẽ là một trong những người đầu tiên đứng ngoài cuộc chia sẻ rần rộ này và lên tiếng. Chị viết:

“Mình đã viết bài về cách xử lý tin tức 1 vụ án ở nước Áo, người cha loạn luân Fritzl 73 tuổi nhốt con gái dưới hầm 24 năm để lạm dụng tình dục. Vụ án này chấn động cả thế giới, các báo Việt Nam đợt đó cũng dịch hàng ngàn bài. Phóng viên tập trung dày đặc quanh nhà, với đầy đủ máy quay phim, chụp hình, truyền hình trực tiếp, nhưng chúng ta không hề nhìn thấy một bức hình nào của nạn nhân và 6 đứa con của cô ấy. Các bé đã được lập tức thay tên đổi họ, lập tức bí mật chuyển đi nơi khác để lớn lên không bị kỳ thị.

Nước Áo cũng có những lời trách móc, nhưng là tự trách móc chính mình: “Cả đất nước này phải tự chất vấn lại mình xem điều gì đã dẫn đến sai lầm đến như vậy?”.

Những vụ tương tự, ở những nước hiện đại, báo chí cũng chỉ đưa tin về người phạm tội, tuyệt đối không đả động gì tới người nhà, còn nếu có trích lời người thân hay bạn bè thì giấu tên. Chính quyền chủ động tạo điều kiện để họ tạm lánh hoặc chuyển đi nơi khác. Thậm chí còn được đổi tên họ và giấy tờ tùy thân nếu yêu cầu. Các quỹ phúc lợi cuả nhà nước sẽ trợ cấp chỗ ở, người bảo trợ, đảm bảo có thể bắt đầu cuộc sống lại từ đầu một cách không quá bi kịch. Thậm chí, họ còn có những “lối thoát an toàn”, ví dụ như home schooling học tại nhà…

Mình biết nhiều vụ án, sau khi người có tội lĩnh án, thì những người thân vô tội của họ bị bỏ lại giữa thị phi. Nhiều người phải chạy trốn khỏi làng, đi biệt xứ. Đừng share, đừng click vào những trang mạng khai thác quá mức thông tin cá nhân và nỗi đau của người thân phạm nhân.”

Ngay lập tức một cơn mưa hàng trăm ý kiến đổ vào bình luận, tranh cãi về suy nghĩ của nữ văn sĩ này. Bên cạnh rất nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ, cũng có không ít quan điểm khác không đồng tình, cho rằng vậy cũng đáng! Những quan điểm này cũng minh họa cho suy nghĩ của đám đông đang share-like-comment quyết liệt mấy hôm nay.

Mà tâm lý đám đông hiện nay, nhất là việc hùa theo truy vết trên mạng xã hội đang là mối nguy, mỗi lúc một nhanh và luôn nghĩ mình đúng. Họ vội vã đánh giá quy chụp đủ kiểu những sự kiện đang xảy ra cái mà giới truyền thông gọi là trends ấy. Họ thích tranh luận, thích được đánh giá cao, thích chứng tỏ sự hiểu biết của mình. Điều này phản ánh một thực tế, đám đông trên mạng xã hội bây giờ hay vội vã đến với các sự kiện với tốc độ ánh sáng, càng lúc càng thích sự hời hợt mà không quan tâm đến bản chất của sự kiện của vấn đề cả về tính cách lẫn về tư duy. Trong khi cái quan trọng nhất là bản chất của sự việc là gốc rễ, cốt lõi của sự kiện, những giá trị nhân văn nhân bản của con người thì bị lờ, quên đi, hoặc không hiểu gì về nó.

hinh-1-ttbl(3).png

Một hình ảnh được lang truyền chóng mặt trên mạng xã hội có đăng hình trẻ em trái phép.

Sống chậm cùng bàn phím

Trong vụ tịnh thất Bồng Lai, lẽ ra người ta phải coi những đứa trẻ là nạn nhân cần được bảo vệ trong vụ việc này, chứ không phải xem là thủ phạm hay những người đồng lõa. Trước tất cả những sự vụ có liên quan đến trẻ em, chúng ta cần có sự thận trọng nhất định. Trẻ con, chúng không đủ lớn để có thể nhận thức thấu đáo được điều mình làm, nhất là khi bị người lớn thao túng. Giả sử ngay khi cả trẻ lỡ có lỗi, hãy cho chúng có cơ hội được lớn lên với tương lai yên ổn hơn, nhờ những đôi tay biết share thận trọng trong cái đầu biết suy nghĩ đầy tình người.

Không khéo, chúng ta đang vô tình tiếp tay hoặc tệ hơn là trực tiếp “bạo hành thông tin”, chứ không phải là đang “thay trời hành đạo” bằng bàn phím, khiến bi kịch rơi lên số phận những đứa trẻ.

Có những điều đơn giản như việc “bảo mật thông tin của người khác” chưa là thói quen ở xứ ta! Tâm lý hả hê muốn thấy điều mình cho rằng không tốt phải được xử tới nơi, mà quên rằng chúng ta tự cho mình là một thẩm phán online, phán xử người khác theo suy nghĩ tức thời lúc đó của mình, mà cụ thể là lan truyền những thông tin không chính thức chưa được kiểm chứng. Khi quyền riêng tư chưa được tôn trọng, những nút share vô tư, hồn nhiên cũng có thể làm ta trở thành nhẫn tâm. Nó thỏa mãn sự tò mò nhưng đồng thời cũng xâm hại, bạo hành thông tin và vô tình bóp nghẹt thêm tương lai người khác!

Đây là cách mà người ta đanh hành xử trên mạng xã hội, nói nôm na là đang "bạo hành thông tin".

Đã có một số ý kiến dù khá ít ỏi trên một số phương tiện truyền thông về việc này. Các cơ quan chức năng, dù khá muộn màng, cũng vội đăng đàn để cho thấy một bộ phận dư luận đang sai. Theo bà Nguyễn Thị Nga - phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho biết những hành vi trên vi phạm khoản 11, điều 6 Luật trẻ em: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Tương lai trẻ, quyền riêng tư của con người, tùy thuộc từ chút ứng xử văn minh còn lại hôm nay, trên “bàn phím sống chậm”, không chỉ là một vụ Tịnh thất Bồng Lai này. Mà, những mảnh văng của chuyện như thế này vào xã hội, nếu không “thu dọn” gọn ghẽ, có khi thành những vết thương dài lâu khó lành.

Theo Ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH), lỗi lầm của người lớn không liên quan đến trẻ em và sự việc các em bé tại đây bị các đối tượng trục lợi bất chính đã có cơ quan công an xử lý. Pháp luật có quy định rõ việc lộ bí mật thông tin của các em bé tại đây sẽ bị xử phạt.

Cũng theo Điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.