Sau mũi tiêm thứ 3, chiến lược chống dịch sẽ như thế nào?
Xã hội - Ngày đăng : 10:52, 11/01/2022
Hiện TP.HCM và Đà Nẵng đã dự kiến hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vaccine COVID-19 trước Tết nguyên đán 2022. Theo các nghiên cứu quốc tế, mũi tiêm nhắc lại (tiêm mũi 3) nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại được tăng lên để chống lại virus SARS-COV-2.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, theo các nhà sản xuất vaccine COVID-19, hiệu quả của vaccine đạt từ 70%-90%. Đặc biệt, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4-6 tháng.
“Vì vậy, người dân phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày. Việc tiêm mũi 4, 5, 6… còn tùy theo tình hình dịch cũng như vấn đề cung ứng vaccine. Ví dụ, như bệnh cúm đã có vaccine hằng năm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Để phòng, chống dịch với sự xuất hiện của biến thể Omicron trên thế giới, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên với thời gian tính từ mũi cuối cùng của liều tiêm cơ bản là 3 tháng. Theo đó, sau khi bao phủ đủ mũi vaccine liều cơ bản cho các đối tượng từ 18 tuổi và trẻ em từ 12 tuổi trở lên, Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương triển khai tiêm mũi nhắc lại.
“Theo văn bản số 10722/BYT-DP về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại ngày 17/12/2021 của Bộ Y tế, những người mắc COVID-19 khi hồi phục hoặc hết thời hạn cách ly vẫn cần tiêm mũi nhắc lại và tiêm sau mũi tiêm thứ hai 3 tháng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu cụ thể.
Thống kê mới nhất đến ngày 9/1/2022 của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã thực hiện tiêm tổng số 161.277.807 liều vaccine COVID-19, trong đó, tiêm mũi 1 là 78.291.624 liều, tiêm mũi 2 là 71.161.335 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc lại và mũi 3 của vaccine Abdala) là 11.824.848 liều.
Cũng theo ông Phu, hiện nay một số nơi vẫn còn có ca tử vong do COVID-19, bởi vì người bệnh mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine hoặc có địa phương không khống chế được dịch để số mắc quá cao.
Đặc biệt, biến thể Omicron đã lây lan nhanh và sau vài tuần đã được phát hiện tại khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về sự lây lan của chủng virus này và xếp vào chủng đáng quan ngại (VOC).
“Sự lây lan nhanh của virus sẽ khiến cho nhiều người mắc bệnh dẫn đến quá tải hệ thống y tế, người nhiễm không được can thiệp kịp thời và bị chuyển nặng và tử vong. Chúng ta đã chuyển sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thông điệp chống dịch là 5K và vaccine”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nêu giải pháp chống dịch trong tình hình mới.
PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các cấp, các ngành phải nâng mức cảnh báo để không bị động, bất ngờ; Chuẩn bị đầy đủ 4 tại chỗ; Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở để tiếp cận F0, tránh quá tải hệ thống y tế... Đặc biệt, yêu cầu người dân hạn chế đi lại, khuyến cáo không tụ tập đông người, thực hiện 5K nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới./.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.