Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Nguy cơ ách tắc nặng hơn?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:43, 11/01/2022
Theo quy định từ phía Trung Quốc, từ ngày 1/1, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan nước này cấp mã hàng mới được thông quan. Tuy nhiên, dù nhiều tháng gửi hồ sơ, đến nay hầu hết DN Việt vẫn chưa có kết quả khiến nhiều lô hàng tiếp tục có nguy cơ ách tắc, gây thiệt hại lớn.
Nhiều DN Việt Nam trước nay làm ăn với Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên lần đầu tiên tiếp cận đến những quy định mới, khắt khe rất dễ bị mắc lỗi |
Thiếu mã, hàng đóng container nằm im
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cty Cổ phần Banana Brothers Farm (doanh nghiệp xuất khẩu chuối) cho biết, theo quy định mới của Trung Quốc về yêu cầu của Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, Cty đã nộp hồ sơ từ tháng 10 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp mã. Hàng trăm tấn chuối và các sản phẩm chế biến của DN có nguy cơ không xuất sang được Trung Quốc.
Theo vị này, ngay từ đầu Cty nộp hồ sơ cho Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau nhiều lần do phía chi cục cũng thông báo chưa có kinh nghiệm, nên mãi đến cuối tháng 12, DN kiểm tra mới thấy hồ sơ của DN bắt đầu được gửi ra Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) rồi gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
“Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được mã đăng ký. DN chúng tôi đã đầu tư bài bản, thậm chí có tới 2 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại trang trại để tư vấn về cách làm, nên mọi quy chuẩn DN không lo không đáp ứng được. Giờ sản phẩm thu hoạch, chế biến xong, nhưng không xuất khẩu được, DN rất bí bách”, vị này cho hay.
Đại diện Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cũng cho biết, đến nay nhiều hội viên của hiệp hội chưa nhận được mã để xuất khẩu sang Trung Quốc. Cà phê, ca cao là một trong những ngành hàng lớn theo quy định sẽ phải in mã số DN cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Số lượng sản phẩm của ngành hàng lên tới cả nghìn mã.
“Nhiều DN hiện đã đóng container hàng xong xuôi, nhưng không có mã xuất khẩu nên ngồi chờ. Lưu kho một ngày DN phải chi thêm bao nhiêu tiền. Ngay cả nhiều DN lớn trong ngành hiện cũng phải chờ”, vị này cho hay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, không chỉ gặp khó trong việc chờ cấp mã xuất khẩu, việc đáp ứng các quy định cũng rất khó khăn, bởi vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Việt Nam còn manh mún.
Các DN chế biến đầu tư còn hạn chế nên khi triển khai, chắc chắn không tránh được các lỗi vi phạm. Ngay cả các nước như Anh, Nhật, Mỹ đã phải đề nghị Trung Quốc lùi thời hạn áp dụng 2 lệnh 248 và 249 sau 18 tháng để các nước có thời gian chuẩn bị.
Nước đến chân mới nhảy?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày (10/1), Trung Quốc cấp khoảng 1.389 mã sản phẩm cho Việt Nam, tương ứng với khoảng khoảng 1.200 DN được cấp.
Theo ông Nam, đến thời điểm này, tất cả hồ sơ của DN gửi trước ngày 30/10/2021 đã được cơ quan chức năng gửi hết sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc, không còn hồ sơ nào tồn ở các đơn vị. Trong thời gian này, các DN phải chờ phía Trung Quốc thẩm định và phê duyệt. Còn những DN nào chưa gửi hồ sơ trước ngày 30/10/2021, vẫn có thể vẫn gửi bình thường.
“Trung Quốc áp dụng quy định này cho gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nên xử lý một số lượng lớn. Do vậy, các DN cần chủ động lên trang web của Hải quan Trung Quốc https://ciferquery.singlewindow.cn/ để cập nhật kết quả. Trường hợp được cấp sẽ có tên trên hệ thống, chứ không phải ngồi chờ có văn bản trở lại cho DN”, ông Nam cho hay.
Về việc cho rằng do Bộ NN&PTNT phổ biến gấp nên các DN không kịp triển khai, ông Nam cho rằng, trên thực tế Trung Quốc bắt đầu lấy ý kiến về 2 lệnh này để ban hành vào tháng 9/2020. Theo thông lệ quốc tế, trong 60 ngày nếu không có ý kiến góp ý, phía Trung Quốc sẽ ban hành. Lúc đó, các đơn vị của Việt Nam hầu như không có ý kiến. Còn các DN cũng ít quan tâm về vấn đề này.
“Thị trường đã thay đổi rất nhiều, chúng ta cần thay đổi để đáp ứng, thích nghi, nếu không hoạt động xuất khẩu sắp tới sang Trung Quốc sẽ còn nhiều khó khăn”.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT)
Đến giữa tháng 4/2021, Trung Quốc ký ban hành lệnh 248 và 249, và đến cuối tháng 9/2021 mới bắt đầu hướng dẫn cụ thể 18 loại sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và hướng dẫn quy trình đăng ký cấp mã sản phẩm.
“Nhiều quốc gia trên thế giới cũng rất áp lực về tiến độ này. Tuy nhiên, phần lớn DN Việt Nam trước nay làm ăn với Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Lần đầu tiên tiếp cận đến những quy định này, rất dễ bị mắc lỗi và không đáp ứng được các quy định của đối tác đưa ra”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với những quy chuẩn cao, rất khắt khe nên DN cần phải nâng cao năng lực và chuyên nghiệp nhiều hơn nữa. Ngay từ bây giờ, các DN phải có bộ phận pháp lý quốc tế, cập nhật thường xuyên các quy định về an toàn thực phẩm, và điều kiện từ các thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của châu Âu, họ cũng có thể thay đổi liên tục, nếu DN không nắm kịp thời, rất dễ vi phạm.
“Việc cấp mã sản phẩm và đăng ký DN xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là việc tổ chức sản xuất. Các DN, hợp tác xã và người dân cần phải thay đổi suy nghĩ, đánh giá lại thị trường từ tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến… Thị trường đã thay đổi rất nhiều, chúng ta cần thay đổi để đáp ứng, thích nghi, nếu không hoạt động xuất khẩu sắp tới sang Trung Quốc sẽ còn nhiều khó khăn”, ông Nam cho hay.