10 loại thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:22, 11/01/2022

Lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn kiểm soát đường huyết và các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Hãy cùng tham khảo 10 loại thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn hàng tuần nếu bạn đang phải sống chung với bệnh đái tháo đường.

1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể vừa điều chỉnh được đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, vừa đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp.

1.1 Nguyên tắc dinh dưỡng

  • Đủ nhu cầu năng lượng.
  • Đủ hàm lượng đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với tỷ lệ hợp lý.
  • Không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
  • Hạn chế được các rối loạn chuyển hóa.
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
  • Phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương.
  • Đơn giản, tiện lợi và không quá đắt tiền.
10 loại thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường - Ảnh 2.

1.2 Chế biến thực phẩm

  • Nên ăn món luộc, hấp. Hạn chế các món chiên rán.
  • Các loại khoai củ không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao.
  • Nên ăn quả chín cả múi, miếng để có chất xơ, hạn chế dùng các sản phẩm ép hoặc xay sinh tố.

2. Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường

2.1 Quả việt quất

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, việt quất là một "siêu thực phẩm" vì loại quả này cung cấp một lượng lớn chất chống ôxy hóa và carbohydrate giàu chất xơ giúp kích hoạt phản ứng đường huyết thấp hơn nhiều loại trái cây khác. Ngoài ra, thường xuyên ăn quả việt quất, dâu tây hoặc các loại quả mọng khác giúp cải thiện tình trạng kháng insulin. Điều này có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở những người tiền đái tháo đường hoặc tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường. Ngoài ra, nó cũng có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và kiểm soát ở những người đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường.

2.2 Các loại đậu

Chứa nhiều chất xơ, đậu đen, đậu xanh, đậu xanh và các loại đậu khác là những nguồn cung cấp protein và carbohydrate tiêu hóa chậm. Sự kết hợp này mang lại những lợi ích ngắn hạn bằng cách tạo cảm giác no và ngăn ngừa sự tăng vọt đột ngột của glucose. Một nghiên cứu của JAMA (Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) năm 2012 đã cho thấy, những người kết hợp một chén đậu hoặc các loại đậu mỗi ngày như một phần của chế độ ăn ít glycemic trong 12 tuần. Trong khi nhóm đối chứng ăn các loại carbohydrate giàu chất xơ khác như một phần của chế độ ăn có glycemic thấp. Vào cuối nghiên cứu, những người tiêu thụ đậu có mức HgbA1c thấp hơn, huyết áp thấp hơn và chất béo trung tính thấp hơn.

10 loại thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường - Ảnh 4.

2.3 Rau lá màu xanh đậm

Ăn nhiều rau không chứa tinh bột là một cách tốt để tăng cảm giác no mà không cần thêm nhiều calo hoặc carbs. Rau xanh là một số loại rau ít carb tốt nhất để bổ sung cho những người đang kiểm soát bệnh đái tháo đường. Các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, cải thìa và các loại rau xanh khác chứa lượng beta-carotene và vitamin C dồi dào. Đây là hai chất chống ôxy hóa có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh về mắt, như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Các loại rau lá xanh đậm cũng là nguồn thực phẩm dồi dào magiê, khoáng chất có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

2.4 Hạnh nhân và quả óc chó

Hai thực phẩm này có thể sử dụng cho những bữa ăn nhẹ rất tốt cho người bệnh đái tháo đường. Sự kết hợp của chất xơ, protein và chất béo làm chậm quá trình hấp thụ một lượng nhỏ carbs trong các loại hạt để ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến.

Ăn hạt óc chó giúp thúc đẩy cảm giác no, ngăn ngừa cảm giác thèm ăn, đặc biệt là các món ăn vặt nhiều đường. Ngoài ra, hạt óc chó còn giàu axit alpha-lipoic, có tác dụng giảm viêm, việc ngăn ngừa và điều trị các biến chứng do đái tháo đường.

Hạnh nhân giúp kiểm soát lượng glucose và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do bệnh đái tháo đường type 2 gây ra. Hạnh nhân cung cấp hàm lượng lớn magiê, giúp xương chắc khỏe, điều hòa huyết áp và kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

2.5 Sữa chua kiểu Hy Lạp tốt cho người bệnh đái tháo đường

Việc duy trì nguồn cung cấp đa dạng các vi khuẩn tốt trong đường tiêu hóa là một thành phần quan trọng để duy trì sức khỏe, thậm chí giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Là thực phẩm chứa hàm lượng cao canxi, protein và một loại chất béo đặc biệt được gọi là axit linoleic liên hợp (CLA) được tìm thấy trong sữa chua có thể tạo cảm giác no lâu hơn. Sữa chua Hy Lạp chỉ chứa 6 - 8g carbs mỗi khẩu phần, thấp hơn so với sữa chua thông thường. Nó cũng có hàm lượng protein cao hơn, có thể thúc đẩy giảm cân bằng cách giảm sự thèm ăn và do đó giảm lượng calo nạp vào. Vì vậy, đối với người bệnh đái tháo đường, sữa chua Hy Lạp là lựa chọn tuyệt vời cho sức khỏe.

10 loại thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường - Ảnh 5.

2.6 Cam, quýt

Chứa hàm lượng chất xơ cao nên các loại trái cây họ cam quýt không làm tăng lượng đường trong máu. Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa, lượng đường trong máu vẫn ổn định, vì đường không vào máu nhanh và tốc độ hấp thụ đường bị chậm lại. Điều này giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết và điều chỉnh việc giải phóng insulin để giữ cho lượng đường trong máu được ổn định.

Cam, quýt thực sự được coi là một loại thực phẩm có hàm lượng glycemic thấp nhờ hàm lượng chất xơ hòa tan, khiến chúng trở thành một lựa chọn trái cây tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường typ 2. Tuy nhiên, nên ăn trái cây thay vì uống nước ép. Ngoài ra, cam và tất cả các loại trái cây họ cam quýt khác là nguồn cung cấp vitamin C và folate chống ôxy hóa, cũng như kali giúp giữ huyết áp trong tầm kiểm soát.

2.7 Cá

Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá cơm và cá thu là nguồn cung cấp axit béo omega - 3, DHA và EPAtuyệt vời, hỗ trợ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bổ sung đầy đủ các axit béo đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ là đặc biệt quan trọng vì đây là các biến chứng điển hình của bệnh đái tháo đường.

Cá cũng là một nguồn cung cấp protein chất lượng cao tuyệt vời, giúp bạn cảm thấy no lâu và giúp ổn định lượng đường trong máu. Nhưng không nên ăn nhiều quá 350g cá/ tuần trong đó nên ưu tiên lựa chọn những loại cá béo.

Phụ nữ đang mang thai và trẻ em nên hạn chế ăn những loại cá thịt trắng (cá cờ, cá nhám) vì 2 loại cá này chứa hàm lượng chất thủy ngân khá cao, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

2.8 Bột yến mạch

10 loại thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường - Ảnh 6.

Yến mạch là thực phẩm chứa nhiều chất xơ có tác dụng giảm đường sau bữa ăn, tăng công hiệu của insulin, đặc biệt là chất xơ tan trong nước rất tốt vì nó ngăn cản không cho đường hấp thụ vào ruột và làm giảm đường trong máu tới 30%. Chất xơ có thể làm giảm triglyceride và mỡ xấu LDL và làm tăng mỡ lành HDL, có hiệu quả tốt với sức khỏe của người bệnh đái tháo đường.

Chính vì vậy, ăn bột yến mạch nguyên chất không thêm đường là một lựa chọn tuyệt vời để kiểm soát lượng đường trong máu.

Nên chọn loại hạt yến mạch chỉ bỏ vỏ, cám yến mạch hoặc yến mạch cắt thép là dạng yến mạch ít được chế biến nhất. Bỏ qua yến mạch ăn liền thường được tinh chế cao và thiếu chất xơ.

2.9 Dầu ô liu nguyên chất

Thay thế ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (thường có trong thịt, sản phẩm động vật và thực phẩm chế biến sẵn) bằng các nguồn dầu và chất béo không bão hòa lành mạnh hơn là điều cần thiết đối với người bệnh đái tháo đường. Bơ, các loại hạt và nhiều loại dầu ăn như ô liu, mè và cải dầu chủ yếu chứa chất béo không bão hòa. Dầu ô liu nguyên chất chứa hợp chất oleocanthal có tác dụng chống viêm. Đối với người bệnh đái tháo đường, giảm viêm làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng như biến chứng thần kinh. Khi sử dụng, nên chọn dầu ô liu dùng để trộn salad và khi nấu ở nhiệt độ thấp hơn.

2.10 Hạn chế ăn thịt

Người bệnh đái tháo đường nên cân nhắc đổi thịt gia cầm hoặc thịt với các nguồn protein thực vật như đậu và đậu phụ một vài lần một tuần. Thịt gà không da và thịt nạc phù hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát bệnh đái tháo đường, nhưng nghiên cứu cho thấy đôi khi nên hoán đổi chúng để nhìn thấy những lợi ích mà protein thực vật mang lại đối với sức khỏe. Những lợi ích tiềm năng từ protein thực vật được cho là đến từ việc tăng cường chất chống ôxy hóa, chất phytochemical và chất xơ, cũng như cải thiện sức khỏe đường ruột.