Sàn chứng khoán treo, lời giải thích tối muộn của HOSE
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 23:06, 10/01/2022
Cụ thể, theo HOSE, trong phiên giao dịch ngày 10/01/2022, vào lúc 14 giờ 04 phút, hệ thống Gateway (UDP) của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định.
Đây là một trong hai kênh kết nối để Sở chuyển thông tin thị trường về cho công ty chứng khoán. Sau 14 giờ 04 phút, các công ty chứng khoán vẫn nhận thông tin thị trường từ Sở thông qua kênh dữ liệu song song (PRS) bình thường.
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã vận hành hệ thống Gateway dự phòng và khắc phục tình trạng này vào lúc 14 giờ 26 phút cùng ngày. Vì vậy thông tin bảng điện tử tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng chập chờn trong khoảng thời gian nêu trên.
Tối 10/1, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, khắc phục sự cố mất ổn định tạm thời trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022.
Vụ bảng chứng khoán treo chiều 10/1: Hệ thống Gateway mất ổn định |
Bộ trưởng Tài chính giao Hose khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống giao dịch trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng được mọi diễn biến của thị trường trong dài hạn (kể cả trường hợp khối lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến).
Chiều 10/1, giới đầu tư lo lắng và đẩy mạnh bán cổ phiếu khi sàn HOSE bị treo. Số lượng cổ phiếu giảm trên sàn HOSE tăng lên khá nhanh và chỉ số VN-Index cũng như thanh khoản biến động liên tục. Tuy nhiên, bảng giá từng mã cổ phiếu cũng như giao dịch không biến động khi mà sàn HOSE được cho là bị treo.
Gần như tất cả mã cổ phiếu không biến động về giá cũng như khối lượng. Không có giao dịch nào được thể hiện ở cột khớp lệnh trước khi thị trường bước vào phiên khớp lệnh định kỳ cuối phiên. Giới đầu tư không biết cổ phiếu nào đang giảm, cổ phiếu nào đang tăng.
Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư cho rằng mình bị bịt mắt khi giao dịch trong tình trạng trên.
Một cổ phiếu nổi tiếng thường được lướt sóng hàng đầu trên sàn chứng khoán từ tăng trần buổi sáng sang “nằm sàn” cho dù trên bảng vẫn hiển thị tăng. Cổ phiếu này ghi nhận gần 135 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên, một con số kỷ lục.
M. Hà