Nuôi thú cưng hoang dã thúc đẩy các loài đến bờ vực tuyệt chủng
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 22:00, 10/01/2022
Ảnh minh họa |
Hoạt động buôn bán thú cưng độc, lạ đang phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ lớn nhất và cũng là nơi tạo ra xu hướng các quán cà phê nuôi động vật độc, lạ đang lan rộng khắp châu Á.
Trước sự phổ biến ngày càng tăng của trào lưu tìm kiếm thú cưng độc, lạ trên toàn cầu, nghiên cứu do GlobeScan thực hiện dưới sự ủy quyền của WWF Nhật Bản và TRAFFIC mong muốn tìm hiểu thái độ và động cơ cơ bản của người tiêu dùng Nhật Bản khi quyết định nuôi thú cưng độc, lạ, qua đó hỗ trợ phát triển các sáng kiến thay đổi hành vi người mua thông qua các phương tiện truyền thông mục tiêu và vận động xã hội, góp phần ngăn sự suy giảm loài và bảo tồn đa dạng sinh học trên hành tinh.
Nghiên cứu phát hiện người tiêu dùng ở Nhật Bản tìm thấy cảm giác Iyashi (chữa lành vết thương tinh thần) và Kawaii (dễ thương) ở động vật và đây cũng là động lực chính thôi thúc họ sở hữu vật nuôi độc, lạ. Động cơ này khá tương đồng với việc sở hữu vật nuôi trong nhà và bản thân nhiều người Nhật có ý định sở hữu vật nuôi độc, lạ cũng có ý định sở hữu vật nuôi trong nhà – điều này cho thấy phần lớn người tiêu dùng Nhật Bản không có sự phân biệt rõ ràng giữa vật nuôi thông thường và thú cưng độc, lạ. Đối với họ, sự quý hiếm của động vật không phải là một yếu tố mạnh mẽ.
Hiện có 2% dân số Nhật Bản sở hữu vật nuôi độc, lạ và 1% có ý định mua một thú cưng độc, lạ. Ý định nuôi thú cưng độc, lạ thường đến từ những người trẻ hơn (từ 18–34 tuổi) và có nhiều khả năng là sinh viên; các loài động vật độc, lạ phổ biến là vẹt (22%), nhím (19%), loài gặm nhấm (18%), thằn lằn (15%) và rùa/ba ba (15%).
Các yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến ý định sở hữu thú cưng độc, lạ là truyền thông trên mạng xã hội (45%), ti vi (32%) và gia đình/họ hàng (29%). Trong khi đó, ba yếu tố quyết định động cơ sở hữu thú cưng độc, lạ là tính hợp lý, thuận tiện và liên kết tình cảm.
Nhu cầu nuôi thú cưng liên quan đến vô số vấn đề và hệ lụy bởi không chỉ đẩy các loài tiến tới nguy cơ tuyệt chủng và tạo điều kiện cho buôn bán bất hợp pháp mà còn có khả năng phát tán, lan truyền bệnh truyền nhiễm, vi phạm phúc lợi động vật và vô hình trung đưa các loài xâm lấn vào hệ sinh thái nội địa. Tuy nhiên, theo phát hiện trong cuộc khảo sát do WWF Nhật Bản thực hiện vào tháng 3/2021, nhận thức của công chúng về những vấn đề này ở Nhật Bản còn thấp.
Cùng liên quan đến trào lưu nuôi thú cưng hoang dã, nghiên cứu mới của TRAFFIC cũng phát hiện hàng nghìn cá thể chim đang bị rao bán trực tuyến bất hợp pháp ở Singapore, qua đó nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc cần thiết lập một hệ thống đăng ký vật nuôi là động vật hoang dã bắt buộc để người mua có trách nhiệm hơn, đồng thời ngăn nạn buôn bán chim trực tuyến không có giấy phép.
Từ tháng 12/2018 đến tháng 4/2019, nghiên cứu phát hiện 3.354 động vật sống bị rao bán không phép trong 44 nhóm Facebook có trụ sở tại Singapore, trong đó gần 99% động vật hoang dã là chim.
Hiện, Singapore không yêu cầu chủ sở hữu phải lưu giữ hồ sơ mua bán chim hoặc giấy phép sở hữu chúng. Việc buôn bán hợp pháp các loài chim và động vật hoang dã khác được giám sát ở cấp độ người bán tức chỉ các cửa hàng thú cưng, người chăn nuôi và nhập khẩu đăng ký hợp pháp mới được bán động vật hoang dã.
Việc buôn bán chim không được kiểm soát chặt chẽ không chỉ làm suy giảm các quần thể hoang dã mà còn có nguy cơ hình thành các loài xâm lấn và lây truyền bệnh gia cầm. Do đó, việc triển khai một hệ thống yêu cầu chủ sở hữu phải đăng ký vật nuôi là động vật hoang dã sẽ giúp tăng trách nhiệm giải trình của chủ sở hữu và cho phép theo dõi hoạt động buôn bán chim từ cả người bán và người tiêu dùng cuối cùng của chuỗi thương mại cũng như góp phần kiểm soát dịch bệnh.