Bộ sưu tập 2.022 tác phẩm hổ độc bản chào xuân Nhâm Dần ở Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 16:52, 10/01/2022
Nối tiếp thành công của bộ sưu tập 1.010 con trâu chào đón xuân Tân Sửu 2021, năm nay, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát cho ra mắt bộ sưu tập 2.022 bức tượng và phù điêu hổ, với hai chủ đề chính là: Hình tượng hổ hiện thực với các bức tượng hình dáng như thật và chủ đề cách điệu, đưa hình tượng hổ về các hình khối đơn giản khúc triết, phù hợp với nội thất hiện đại.
Trong dòng chảy lịch sử và văn hóa phương Đông, hổ được tôn là giống loài dũng mãnh nhất trong muôn thú, là Hùm thiêng Ông mãnh ngự trị tối cao của rừng già. Trong 12 con giáp, hổ là linh vật của sự quyền uy, thịnh vượng và trường khang.
Dự án tượng hổ độc bản được họa sĩ Phát ấp ủ ý tưởng từ hai năm trước, hiện nay anh đã hoàn thiện được 500 tác phẩm, dự kiến hoàn thiện bộ sưu tập và triển lãm vào dịp 30/4/2022.
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: "Xuất phát từ đam mê mỹ thuật và tình yêu văn hóa Việt, năm nay tôi cho ra mắt bộ sưu tập với số lượng tác phẩm tương ứng với số năm 2022. Hàng ngàn tác phẩm hổ độc bản được tôi tự tay chế tác sẽ mang lại góc nhìn thưởng lãm thú vị, không bị nhàm chán
Các bức tượng, phù điêu hình tượng hổ trong bộ sưu tập lần này được họa sĩ Phát làm từ gỗ mít, đá ong phủ sơn mài. Đây là những nguyên liệu quen thuộc ở vùng trung du Sơn Tây, nơi họa sĩ sinh ra và lớn lên.
Để các tác phẩm trở nên gần gũi, họa sĩ tạo hình dáng quen thuộc, đáng yêu, được cách điệu và gắn lên tác phẩm các câu chuyện tích cực về loài hổ.
Tác phẩm Tổ chim trên lưng hổ với mong muốn đem tới một sự chở che, an lành và ấm áp.
Tác phẩm Hổ mọc thêm cánh có ý nghĩa mong muốn cho con người có thêm sức mạnh, ý chí, vượt qua được nhiều khó khăn, giúp ích cho đời.
Trong các tác phẩm đã hoàn thiện, bộ ghế Ngũ hổ khiến anh mất nhiều thời gian nhất, bộ ghế gồm 5 chiếc với 5 màu sắc tượng trưng cho các mệnh: Vàng - Thổ; đỏ - Hỏa; xanh - Mộc; đen - Thủy; trắng - Kim.
Bộ ghế có kích thước rộng 1,2m, cao 1,5m, nặng 60kg /chiếc, tạo dáng, sơn mài và khảm công phu. Hiện bộ ghế độc bản này đang được họa sĩ định giá hàng trăm triệu đồng.
Hình tượng ngũ hổ không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà Thánh. Trong đó, Hoàng Hổ tướng quân giữ vai trò trưởng trung cung, có nhiều quyền phép, trấn giữ điều lệnh các phương.
Để biến một khúc gỗ vô tri thành một tác phẩm hổ nghệ thuật, họa sĩ Phát phải trải qua rất nhiều công đoạn.
Ban đầu là phác thảo ý tưởng ra bản vẽ, nặn thử bằng khuôn đất, bởi khi nặn khuôn đất thì có thể điều chỉnh hình dáng dễ dàng.
Sau khi khuôn bằng đất ưng ý mới tiến hành đục trên gỗ, phủ màu, phơi khô, dát vàng, bạc, khảm trai, khảm trứng…
Qua bộ sưu tập này, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát muốn gửi gắm nhiều thông điệp, anh muốn mọi người thay đổi góc nhìn về hổ là một loài vật hung dữ, đón nhận hình tượng hổ thân thiện hơn.
"Bên cạnh đó, tôi muốn tôn vinh sức sáng tạo, sức lao động nghề thủ công truyền thống điêu khắc và sơn mài", họa sĩ Phát bày tỏ.
Các tác phẩm hổ sơn mài độc bản của họa sĩ Phát đang được tiếp tục sản xuất và trưng bày tại nhà riêng ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).