Vietcombank nâng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục 424%

Bất động sản - Ngày đăng : 16:31, 10/01/2022

Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng năm 2021 đều đạt và vượt kế hoạch, dù không tiết lộ số lãi cụ thể, với tỉ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục 424%, theo lãnh đạo Vietcombank.
Nợ xấu của Vietcombank giảm mạnh trong quý 4/2021

Nợ xấu của Vietcombank giảm mạnh trong quý 4/2021

Thông tin trên được ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank – Mã CK: VCB) cho biết tại Hội nghị Triển khai công tác Đảng và Hoạt động kinh doanh năm 2022, diễn ra vào sáng nay (10/1/2022).

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ của nhà băng này ở mức 963.670 tỉ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2020, đảm bảo ‘room’ tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN cho phép. Trong đó, tỉ lệ nợ xấu của nhà băng này đạt mức 0,63%.

Căn cứ theo số liệu trên, nợ xấu của Vietcombank tại thời điểm 31/12/2021 ở mức 6.071 tỉ đồng, giảm đáng kể so với mức 10.883 tỉ đồng được ghi nhận vào cuối tháng 9/2021.

Vietcombank nâng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục 424% ảnh 1
Một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 được báo cáo tại hội nghị tổng kết của Vietcombank (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ giảm mạnh nợ xấu, Vietcombank cũng nâng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 424%. Đồng nghĩa, với mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng này trích lập dự phòng hơn 4 đồng. Đây cũng là tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành, theo lãnh đạo Vietcombank.

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã trích 7.000 tỉ đồng lợi nhuận để tiến hành giảm lãi suất cho vay, cao gấp đôi quy mô gói hỗ trợ năm 2020. Phần dư nợ được cơ cấu lại đến 31/12/2021 của nhà băng này đạt 10.537 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là 9.400 tỉ đồng.

Lãnh đạo Vietcombank không tiết lộ cụ thể lợi nhuận cả năm 2021, song cho biết đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông giao. Biết rằng, nhà băng này trước đó đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 25.200 tỉ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đề xuất được giữ lại lợi nhuận để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong bối cảnh cảnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức thấp, kìm hãm tăng trưởng tín dụng; đồng thời đề xuất có lộ trình tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức 35% thay vì 30% như hiện nay./.

Nguyễn Ánh