Sơn La: Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 4 cơ sở nông sản lớn
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 19:19, 09/01/2022
Kiểm tra khu vực xử lý nước thải tại HTX xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, huyện Mai Sơn. |
Cơ bản chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực địa tại 4 cơ sở, gồm: Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La, Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên – Nhà máy tinh bột sắn Sơn La. Tiếp đó, Đoàn đã trực tiếp làm việc với UBND huyện Mai Sơn và các cơ sở về việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.
Tại Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, từ ngày 18/8/2021 đến ngày 5/1/2021, Hợp tác xã đã tiến hành thu mua và chế biến trên 10.300 tấn cà phê quả tươi, sản lượng trung bình 74 tấn/ngày; đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 100m3/ngày đêm.
Hiện nay, Hợp tác xã đang tiến hành thi công lắp đặt 3 bồn chứa nước thải (cạnh Hệ thống xử lý nước thải), với mục đích tăng hiệu quả xử lý nước thải, để lọc bùn trước khi đưa nước thải vào Hệ thống xử lý nước thải. Tổ kiểm tra, giám sát số 1 đã yêu cầu Hợp tác xã sau khi hoàn thành, báo cáo cụ thể việc lắp đặt, quy trình vận hành, thuyết minh công nghệ, đánh giá ưu nhược điểm.... kèm theo đầy đủ các hồ sơ tài liệu có liên quan gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Khoa học và Công nghệ để xem xét, giải quyết; chỉ được phép đưa 3 bồn chứa nước thải vào vận hành sau khi đã có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đúng các quy định.
Khu vực xử lý nước thải tại Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La. |
Đối với Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La, từ đầu niên vụ đến ngày 5/1/2022, Nhà máy đã tiến hành thu mua và chế biến trên 10.000 tấn cà phê tươi, sản lượng trung bình 80 tấn/ngày. Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm, với công nghệ hóa lý kết hợp sinh học. Đã lắp đặt camera giám sát tại các khu vực chế biến và hệ thống xử lý nước thải.
Tại Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La, từ ngày 1/11/2021 đến 5/1/2022, Công ty đã thu mua, chế biến 62.000 tấn củ sắn tươi, tạo ra 15.200 tấn tinh bột. Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 4.000m3/ngày đêm theo công nghệ xử lý nước thải sinh học kết hợp hóa lý. Đã xây dựng 3 hồ sự cố tổng thể tích trên 26.500m3. Đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực xử lý nước thải; hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.
Kiểm tra thực địa tại Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La. |
Chi nhánh Công ty Cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, đơn vị đã thu mua, chế biến 49.000 tấn củ sắn tươi, tạo ra 14.000 tấn tinh bột. Đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải có công suất 4.400m3/ngày đêm, theo công nghệ sinh học yếm khí kết hợp mương ô xy hóa; xây dựng 2 hồ sinh học kiêm chức năng ứng phó sự cố; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực xử lý nước thải; hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục.
Với sự cố xảy ra tại Chi nhánh ngày 15/12/2021, kết quả kiểm tra ban đầu xác định, đoạn đường ống bị tuột mối nối là đường ống bơm nước thải sau xử lý từ hồ sinh học lên khu vực cấp nước sản xuất để tái sử dụng (hồ sinh học là hồ cuối cùng có chức năng lưu giữ nước sau các công đoạn xử lý nước thải). Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chi nhánh Công ty đã triển khai ngay giải pháp khắc phục, đấu nối lại đường ống bơm nước tái sử dụng, đồng thời bơm nước sạch để thau rửa mương thoát nước chung của khu vực. Theo báo cáo của UBND huyện Mai Sơn, sự cố không gây thiệt hại về tài sản và cây cối hoa màu cho cộng đồng dân cư.
Sơ đồ hệ thống xử lý nước thải tại Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên – Nhà máy tinh bột sắn Sơn La. |
Tiếp tục duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát đến hết niên vụ
Báo cáo kết quả giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến nông sản niên vụ 2021-2022, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng cho biết: Để chủ động trong công tác phòng ngừa ô nhiễm, ngay từ tháng 9/2021, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan đối với 7 cơ sở chế biến nông sản. Trưởng Đoàn kiểm tra đã ban hành Quyết định thành lập 2 Tổ kiểm tra, giám sát; 4 Tổ công tác để thực hiện giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường với các cơ sở. Các Tổ công tác được phép giám sát trong toàn bộ thời gian hoạt động của các cơ sở (24/24h).
Quá trình kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở và thông qua camera giám sát, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã cơ bản chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nước thải phát sinh được thu gom xử lý đạt theo quy chuẩn. Đoàn kiểm tra cũng đã đề nghị UBND cấp xã thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND huyện, Tổ kiểm tra giám sát nếu có sự cố xảy ra.
Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã cơ bản chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nguồn nước. |
Tiếp đó, bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn đã báo cáo nhanh kết quả kiểm tra, giám sát hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường năm 2021. Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có 4 nhà máy đủ điều kiện về môi trường và 6 trang trại chăn nuôi lợn quy mô tập trung.
Về các cơ sở nhỏ lẻ, có 86 hộ sơ chế đã thực hiện đầu tư các hạng mục thu gom, xử lý, lưu chứa nước thải sơ chế cà phê quả tươi; trong đó, 43/86 hộ đã được kiểm tra, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; 6 hộ đang thẩm định; các hộ còn lại đã hoàn thiện hệ thống thu gom, lưu chứa nước thải nhưng đang dừng hoạt động.
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, yêu cầu dừng hoạt động 6 trường hợp sơ chế cà phê có công trình thu gom, xử lý, lưu chứa nước thải chưa đảm bảo, chưa có thủ tục về môi trường; phát hiện 1 hộ chăn nuôi lợn tại xã Chiềng Mung lắp đặt ống dẫn nước thải vào hang Karst, hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét xử lý vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu làm việc với huyện Mai Sơn và các cơ sở chế biến nông sản. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu đã ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp chế biến nông sản trong năm 2021, có nhiều nỗ lực thực hiện công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường, không để xảy ra sự cố lớn, góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ động đề xuất tham mưu các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nguồn nước, kịp thời xử lý ngay các vấn đề phát sinh. Tiếp tục duy trì các tổ kiểm tra, giám sát với các cơ sở đến hết niên vụ 2021-2022; xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với các cơ sở sản xuất, chế biến.
Giao UBND huyện Mai Sơn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; tổ chức ký cam kết với các xã, thị trấn về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt nội dung cam kết đã ký. Duy trì kiểm tra giám sát với các cơ sở quy mô nhỏ lẻ; nghiên cứu, bổ sung, rà soát kế hoạch đầu tư công để xây dựng khu xử lý tập trung cho các cơ sở quy mô nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, duy trì hệ thống tự động quan trắc, camera giám sát; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đã trao đổi một số khó khăn, vướng mắc về tiếp cận thủ tục đất đai, xử lý môi trường, quy hoạch vùng nguyên liệu... Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT làm đầu mối tổng hợp, dự kiến tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tháng 2/2022.