Vì sao đeo khẩu trang ở Romania vẫn bị phạt tiền?

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:09, 09/01/2022

Bộ trưởng Nội vụ Romania Lucian Bode cho biết, kể từ ngày 8/1, đeo khẩu trang bằng vải dệt thông thường và không đeo khẩu trang sẽ bị phạt khoảng 570 USD.

“Các chuyên gia cho biết chủng Omicron lây lan rất nhanh và có khả năng lây nhiễm cao. Trong những điều kiện này, việc đeo khẩu trang là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Do đó, tiền phạt cho việc đeo khẩu trang không phù hợp cũng bằng với tiền phạt cho việc không đeo khẩu trang”, ông Bode chia sẻ với kênh truyền hình Digi 24.

Bộ trưởng Nội vụ chỉ rõ rằng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn này sẽ được giám sát bởi các quan chức thực thi pháp luật và hiến binh.

Theo đó, quy định có hiệu lực từ ngày 8/1, cư dân Romania trên 5 tuổi có nghĩa vụ đeo khẩu trang phẫu thuật hoặc khẩu trang tiêu chuẩn FFP2 (tiêu chuẩn châu Âu tương tương N95 của Mỹ) ở những nơi công cộng.

Vì sao đeo khẩu trang ở Romania vẫn bị phạt tiền?
Romania gần đây cũng đã thắt chặt các quy định về đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh: EPA)

Trước đó, Tiến sỹ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng về chính sách và quản lý y tế tại trường Đại học George Washington cho biết, khẩu trang vải không thể ngăn ngừa được biến thể Omicron mà phải là khẩu trang y tế 3 lớp, nếu ở nơi đông người thì nên đeo khẩu trang KN95 hoặc N95.

“Khẩu trang vải chỉ đơn thuần là đồ trang trí trên khuôn mặt. Chúng không thể ngăn ngừa được biến thể Omicron. Đây là điều mà các nhà khoa học và các quan chức y tế cộng đồng đã nói tới trong nhiều tháng qua. Chúng ta cần phải đeo ít nhất một chiếc khẩu trang phẫu thuật ba lớp, còn được gọi là khẩu trang dùng một lần, có thể tìm mua ở hầu hết các hiệu thuốc và một số cửa hàng tạp hóa và bán lẻ. Bạn có thể đeo khẩu trang vải bên ngoài, nhưng đừng chỉ đeo duy nhất loại khẩu trang vải đó”, bà Wen nói.

Theo bà Wen, những chiếc khẩu trang KN95 hoặc N95 ôm khít mặt hơn và được làm từ một số chất liệu nhất định chẳng hạn như sợi polypropylene - hoạt động như các hàng rào cơ học và tĩnh điện, giúp ngăn chặn tốt hơn các hạt nhỏ lọt vào mũi hoặc miệng của người dùng, trong khi người đó vẫn có thể hô hấp hay nói chuyện bình thường.

Bác sỹ Dragos Zaharia thuộc Viện Khí sinh học Marius Nasta ở thủ đô Bucharest cho rằng, làn sóng dịch bệnh thứ 5 sẽ tấn công nước này vào tháng 1/2022 và hy vọng khi đó sẽ có ít bệnh nhân tử vong hơn, ít ca biến chứng nặng hơn và ít người phải nhập viện hơn.

Mặc dù biến thể Omciron được cho là không gây biến chứng nặng cho người nhiễm như Delta, song việc số gia nhiễm Omicron gia tăng chắc chắn sẽ khiến hệ thống y tế quá tải như tình trạng xảy ra cách đây vài tháng.

Giám đốc Trung tâm giám sát và kiểm soát dịch bệnh Romania, bà Adriana Pistol cảnh báo nước này có thể ghi nhận tới 25.000 ca/ngày tại thời điểm cao trào của làn sóng dịch mới. Romania hiện là nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 thấp đứng thứ 2 châu lục (40% dân số).

Theo bà Pistol, hiện có khoảng 60% người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh lý nền tại nước này chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Bà Pistol cho biết thêm, mặc dù Chính phủ Romania từ ngày 20/12/2021 đã áp dụng quy định người nhập cảnh phải khai thông tin về nơi lưu trú để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy vết các ca nhiễm mới, nhưng trên thực tế nhiều người đã bỏ qua việc khai báo này. Thêm vào đó, bà cho rằng việc 3/4 người số người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vắc xin cơ bản song chưa tiêm mũi tăng cường cũng là một nguyên nhân làm bùng nổ số ca nhiễm mới.

Theo các thống kê, Romania hiện ghi nhận hơn 1,8 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 58 nghìn người tử vong. Trong 24 giờ qua nước này có thêm 6.036 ca mắc Covid-19 mới.

Thanh Bình (lược dịch)