Thương mại điện tử tìm giải pháp bền vững cho nông sản
Cuộc sống số - Ngày đăng : 20:49, 08/01/2022
Thời gian gần đây, một số mặt hàng như mít, thanh long bị ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc do thương lái nước ngoài đột ngột ngưng thu mua nhiều loại nông sản. Các nền tảng thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân, người dân đã góp sức tiêu thụ các loại trái cây này.
Để giải quyết tận gốc vấn đề cho nông dân, phía Tiki cho hay, đã phối hợp cùng Sở Công Thương TP.HCM để kết nối với các nhà vườn, triển khai dự án thu mua một số loại nông sản khó tìm đầu ra.
Theo đó, Tiki trực tiếp thu mua nông sản tại vườn, phân phối giá gốc không lợi nhuận đến tay người tiêu dùng, giao nhanh trong 2 giờ (áp dụng với một số địa điểm tại TP.HCM). Trong đó 2 mặt hàng mít Thái và thanh long được bán với giá lần lượt 29.000 đồng/2kg và 10.000 đồng/kg.
Trong 2 ngày triển khai chương trình, có gần 8 tấn nông sản được bán ra. Dự kiến, tổng số lượng trái cây tiêu thụ trong chiến dịch sẽ lên đến 100 tấn.
Thanh long, một trong các mặt hàng được nhiều bên chung tay tiêu thụ sau khi bị ùn ứ do không xuất được cho thương lái nước ngoài. |
Thay vì “giải cứu” nông sản ngắn hạn, Tiki cho biết, đang tập trung tạo kênh phân phối nông sản bền vững cho nông dân, hỗ trợ nông dân gia tăng thu nhập.
Nền tảng này thành lập một công ty con chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống và bách hoá tiêu dùng với dịch vụ giao hàng nhanh trong vòng 2 giờ. Các mặt hàng nông sản sẽ được phân phối qua kênh này.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định việc giải cứu ngắn hạn các loại nông sản cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt trong việc chung tay với cơ quan nhà nước để khuyến khích tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”, thúc đẩy giao thương nội địa. Ông mong muốn trong tương lai có thể cùng thương mại điện tử xây dựng nền tảng phân phối số bền vững cho người nông dân, bình ổn thị trường nông sản trong nước, tạo nên những ảnh hưởng tích cực với nền nông nghiệp nước nhà.
Nói với ICTnews trước đây, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – cho hay, đặc thù của một số mặt hàng nông sản dễ hư, dễ bị dập trong quá trình vận chuyển, do đó sẽ gặp khó khăn trong việc giao hàng toàn quốc.
Như vậy, giải pháp giao hàng nhanh sẽ giúp nông sản ít bị hư hại hơn. Tuy vậy, để giao trong vòng 2 giờ, khoảng cách giữa nhà bán hoặc kho hàng tới khách mua sẽ không thể quá xa.
Bên cạnh nền tảng thương mại điện tử, các đơn vị giao hàng cũng đã tìm giải pháp cho nông dân, giúp đưa hàng hoá từ nơi cung ứng đến tận tay người tiêu dùng.
J&T Express hiện có dịch vụ vận chuyển dành riêng cho nông sản và đồ tươi sống, đồng thời hợp tác cùng UPOS - phần mềm bán hàng online và chốt đơn livestream.
Các hoạt động này đã hỗ trợ bà con nông dân và các hộ sản xuất nông nghiệp đơn giản hóa việc bán hàng, giải quyết bài toán về đầu ra tiêu thụ sản phẩm nhờ vào việc ứng dụng quy cách đóng gói và công nghệ hiện đại. Việc này cũng giúp đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Để đẩy nhanh tốc độ giao hàng nông sản nói chung và các mặt hàng khác nói riêng, J&T Express cho hay cần có những trung tâm trung chuyển đạt tiêu chuẩn.
Công ty này đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển với diện tích 60.000 mét vuông, có khả năng xử lý tới hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm trong các đợt cao điểm, đồng thời rút ngắn thời gian giao hàng.
Cho đến hiện tại, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc tìm đầu ra cho nông sản trong dài hạn cần có doanh nghiệp lớn đứng ra thu mua, lập kế hoạch chiến lược để người nông dân trồng các loại nông sản chất lượng cao theo đúng yêu cầu các đơn hàng. Các nền tảng thương mại điện tử và công ty vận chuyển sẽ đóng vai trò lớn trong việc tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa lẫn bán hàng xuyên biên giới.
Hải Đăng