Ông Tất Thành Cang lãnh 10 năm tù
Pháp luật - Ngày đăng : 17:24, 08/01/2022
Chiều 8/1, TAND TP.HCM tuyên án vụ án bán rẻ 9 triệu cổ phần của Công ty CP phát triển nam Sài Gòn (SADECO) cho Công ty Nguyễn Kim đối với bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 19 bị cáo liên quan.
Theo đó, ông Tất Thành Cang lãnh 10 năm tù. Hình phạt này thấp hơn mức 12-14 năm tù VKS đề nghị trước đó.
Bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO) bị tuyên án 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 9 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 20 năm tù.
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO) lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 7 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 16 năm tù
HĐXX cho rằng, bị cáo Tất Thành Cang với vai trò Phó Bí thư trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Thành ủy TP.HCM phải hiểu và nắm rõ các quy định về quản lý kinh doanh, sử dụng vốn của Nhà nước ra bên ngoài.
Tuy nhiên, bị cáo vẫn bút phê "đồng ý" vào Tờ trình 1148 phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua đấu giá công khai, không định giá tài sản theo quy định.
Bị cáo Cang cho rằng "bút phê" của mình chỉ thống nhất về chủ trương chứ không phải là chỉ đạo có tính quyết định để thực hiện việc phát hành cổ phần dẫn đến thiệt hại của SADECO. Bị cáo nói chỉ đạo của mình có ý nghĩa với việc biểu quyết trong phần vốn góp của Thành ủy (16,7%) tại công ty này.
Ngoài ra, bị cáo cho rằng Văn phòng Thành ủy báo cáo không trung thực khi xin ý kiến bằng tờ trình 12A nhưng khi thông qua lại sử dụng tờ trình khác.
Tuy nhiên, theo HĐXX, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai tại tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố bị cáo sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát lãng phí là có căn cứ.
Từ hành vi khách quan và các chứng cứ vật chất là các tờ trình có "bút phê"... đều thể hiện ý thức của bị cáo Cang "đồng ý" với việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim).
Hành vi này của Tất Thành Cang đã tạo điều kiện cho bị cáo Tề Trí Dũngthực hiện việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
"Do đó, việc bị cáo và luật sư cho rằng không phạm tội như truy tố là không có căn cứ", HĐXX nêu quan điểm.
Đối với Tề Trí Dũng, HĐXX xác định bị cáo có vai trò cầm đầu, xuyên suốt hàng loạt sai phạm tại SADECO. Bị cáo biết việc chuyển nhượng cổ phần của SADECO có vốn Nhà nước phải qua đấu giá, xác định theo giá thị trường nhưng chỉ đạo cấp dưới sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định, thông qua quyết định bán cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, bị cáo Tề Trí Dũng còn chỉ đạo cấp dưới chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa tham quan, khảo sát gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng và tham ô 4,6 tỷ đồng từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty mà không đưa về cho chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Theo HĐXX, quá trình xét xử, bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải và đã nộp lại tiền tham ô nên HĐXX sẽ xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Đối với Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng Giám đốc SADECO), HĐXX xác định, bị cáo là người có vai trò quan trọng sau Tề Trí Dũng, giúp sức tích cực cho Chủ tịch HĐQT trong tất cả các hành vi sai phạm. Quá trình xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo nên đây là tình tiết giảm nhẹ.
Hoàng Thọ