Bị cáo Tất Thành Cang: Đau xót nhất là phải đứng trước tòa hình sự
Pháp luật - Ngày đăng : 20:07, 06/01/2022
Ngày 6/1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án bán rẻ 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim đối với bị cáo Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 19 bị cáo liên quan.
Nói lời sau cùng, bị cáo Tất Thành Cang cảm ơn HĐXX đã thực hiện phiên toà dân chủ, công bằng, tạo điều kiện cho luật sư, bị cáo trình bày mọi việc. Ngoài ra, bị cáo cảm ơn VKS đã có những nhận định đưa ra phân tích công tâm, khách quan.
"Điều đau xót nhất cuộc đời bị cáo đó là phải đứng trước tòa hình sự. Nói lên điều này để bị cáo khẳng định quá trình làm việc không mong muốn cố ý để xảy ra sai phạm. Hơn 30 năm qua bị cáo chưa bao giờ sợ đói sợ khổ, không đổ lỗi, dám làm dám chịu trách nhiệm nhưng gì cũng phải rõ ràng”, bị cáo Cang nói.
Bị cáo Tất Thành Cang mong được tòa xem xét thấu đáo, hợp tình hợp lý các nội dung mà ông thấy còn chưa rõ.
"Bị cáo đã làm cho gia đình và truyền thống gia đình xấu đi. Bị cáo kính đề nghị HĐXX và cơ quan công tố xem xét lại hành vi của bị cáo", bị cáo Cang trình bày.
Còn bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO) cho rằng, ông chưa bao giờ suy nghĩ tư lợi hay có ý làm gì gây hại cho tài sản Nhà nước.
"Bị cáo đã sai khi không nhận thức đầy đủ quy định pháp luật mới xảy ra vụ án, rất đau xót khi nhìn cấp dưới phải ra tòa. Với vai trò là Tổng giám đốc IPC, bị cáo cho rằng cấp dưới làm sai thì mình phải chịu trách nhiệm, bị cáo không đổ lỗi", bị cáo Dũng nói.
Bị cáo Dũng cũng xin lỗi Đảng, Thành uỷ TP.HCM, UBND TP, nhân dân, xin lỗi các nguyên lãnh đạo đã tin tưởng bổ nhiệm mình vào chức danh quản lý nhưng bị cáo không làm tròn nhiệm vụ. Bị cáo xin lỗi cử tri đã bầu mình làm đại biểu UBND TP và xin lỗi IPC, SADECO là hai đơn vị từng quản lý vì sai phạm làm ảnh hưởng tới uy tín của 2 công ty.
"Suốt 2 năm 8 tháng bị tạm giam, bị cáo rất ăn năn hối cải về vi phạm của mình, điều bị cáo ân hận nhất là chịu một bản án quá cao. Bị cáo kính mong HĐXX cân nhắc, xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được hưởng mức án thấu tình đạt lý để quay về với cuộc đời", bị cáo Dũng nói.
Ngoài ra, bị cáo Dũng xin HĐXX giảm nhẹ tội tối đa cho bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng Giám đốc SADECO) và các bị cáo cấp dưới.
Trước đó, vào ngày 4/1, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án đối với bị cáo Tất Thành Cang từ 12 - 14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
VKS đề nghị phạt bị cáo Tề Trí Dũng 11 - 12 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9 - 10 năm tù về tội tham ô tài sản. Tổng hình phạt 19 - 22 năm tù.
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc bị đề nghị 10 - 11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9 - 10 năm tù về tội tham ô tài sản. Tổng hình phạt 19 - 20 năm tù.
Hai bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM); Nguyễn Hữu Thành (cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty Nguyễn Kim) cùng bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.
Hai bị cáo Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng SADECO) và Trần Công Thiện (đại diện vốn Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận) cùng từ 13 - 15 năm tù; Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM) từ 12 - 14 năm tù; Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng Giám đốc SADECO) từ 9 - 11 năm tù; Phạm Xuân Trung (Phó Tổng Giám đốc IPC, đại diện vốn IPC) từ 6 - 8 năm tù.
Hoàng Thọ