Cơ chế đặc thù cho TP. Cần Thơ góp phần phát triển vùng ĐBSCL
Xã hội - Ngày đăng : 16:08, 07/01/2022
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh: Cơ chế, chính sách cho TP. Cần Thơ góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ sự nhất trí với nội dung Tờ trình số 540/TTr-CP ngày 03/12/2021 của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Cần Thơ và ý kiến thẩm tra tại Báo cáo số 380 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Đề nghị Chính phủ quan tâm đến nội dung đã nêu trong báo cáo thẩm tra. Đó là: Trước khi triển khai các dự án cụ thể, Chính phủ chỉ đạo đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, đây là vấn đề mà Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu trong báo cáo ý kiến gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra. Trước kỳ họp này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trao đổi, làm việc với một số chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá hiệu quả kinh tế để kết hợp sử dụng luồng hàng hải kênh Quan Chánh Bố và luồng hàng hải Định An-Sông Hậu một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL (gạo, trái cây, thủy sản nuôi trồng…).
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh phân tích, các tuyến luồng hàng hải khu vực Tây Nam Bộ có lượng bồi lắng bùn, cát trở lại nhanh do nhiều yếu tố tác động; sạt lở, bồi lắng đã cản trở sự phát triển giao thông thủy của khu vực, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững cho ĐBSCL. Tuy đã có nghiên cứu khoa học riêng lẻ về vấn đề này nhưng vẫn còn thiếu công trình nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn một cách tổng thể, toàn diện, khách quan về thủy văn, hải văn, bồi lắng trầm tích, nạo vét ở khu vực, chưa đo lường đầy đủ hiệu quả KT-XH của các luồng hàng hải.
TP. Cần Thơ có vị trí trung tâm của vùng. Do đó, để giải quyết tốt những vấn đề phát triển đối với Cần Thơ, một trong các yếu tố quan trọng là việc phê duyệt, triển khai Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL. Chính sách phát triển tổng thể cho vùng ĐBSCL phù hợp sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết nội vùng, vùng theo hướng bền vững, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển TP. Cần Thơ mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và các địa phương khác trong vùng.
Về việc thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải Định An-Cần Thơ cần bảo đảm sự phù hợp với các quy hoạch liên quan. Cụ thể, theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1829 của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10/2021, cả nước quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy. Riêng khu vực phía nam, có 4 hành lang gồm TPHCM-Cần Thơ-Cà Mau, TPHCM-An Giang-Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu-Tây Ninh-TPHCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1579 ngày 22/9/2021.
Việc sớm triển khai dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải Định An-Cần Thơ theo chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn ra, vào các cảng của Cần Thơ sẽ thúc đẩy nhanh việc phát huy công suất các cảng theo Quy hoạch đã phê duyệt (các cảng Cái Cui, Hoàng Diệu có công suất tiếp nhận tàu có trọng tải 20.000 tấn) góp phần bảo đảm chất lượng logistics của vùng ĐBSCL, phù hợp định hướng phát triển trên cơ sở thực trạng điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng, phù hợp với với nguyên tắc thuận thiên để phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại biểu cũng đề nghị các bộ, địa phương trong triển khai một vấn đề lớn như nghiên cứu tổng thể, đánh giá hiệu quả đầu tư, KT-XH, môi trường gắn với quy hoạch phát triển ĐBSCL. Hoạt động nạo vét, thu hồi sản phẩm, xử lý vật chất nạo vét theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động nạo vét, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ nhằm xử lý kịp thời các tác động tiêu cực của dự án nạo vét đối với hoạt động hàng hải, cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên; quan tâm đánh giá tình hình xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển khi nạo vét luồng hàng hải Định An-Sông Hậu.
Rà soát, tham vấn, cân nhắc kỹ lưỡng về độ sâu nạo vét, khu vực nạo vét, khu vực cần thiết phải kè bảo vệ bờ, xác định chuẩn tắc luồng cần nạo vét… để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát. Việc thực hiện tốt các vấn đề nêu trên sẽ góp phần phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù sau khi Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết để góp phần phát triển TP. Cần Thơ nói riêng, các tỉnh trong ĐBSCL nói chung.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển: Cần xem xét các vấn đề pháp lý trong dự thảo Nghị quyết. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Xử lý triệt để vấn đề pháp lý và bảo đảm lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ, đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM), Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ đặt trong tổng thể các chính sách đang triển khai thí điểm tại một số địa phương khác theo các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành sẽ tạo cơ sở thực tiễn theo vùng, miền đặc trưng trên cả nước. Trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách chung phù hợp, khả thi thúc đẩy quá trình phát triển nhanh, bền vững của các địa phương trong cả nước.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển phân tích: So với các chính sách đã được quy định trong các nghị quyết đối với các TP. Hải phòng, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, thì dự thảo Nghị quyết đối với TP. Cần Thơ có 02 chính sách đặc thù khác là: Về nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Đối với nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ, có vấn đề về pháp lý nổi lên đó là dự thảo Nghị quyết quy định thời hạn thực hiện Nghị quyết là 05 năm. Tuy nhiên, các ưu đãi cho dự án nạo vét được hưởng ưu đãi trong thời hạn dài, chẳng hạn như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đến 15 năm, ưu đãi về tiền thuê đất có thể đến 50 năm.
Đại biểu đề nghị, để bảo đảm minh bạch, hiểu và áp dụng thống nhất, cần có hướng xử lý phù hợp, có thể bổ sung vào điều khoản thi hành của Nghị quyết quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh khi hết thời hạn thí điểm áp dụng cho các dự án được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Nghị quyết này (bao gồm các ưu đãi, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, cho các dự án, doanh nghiệp thực hiện các dự án).
Bên cạnh đó, do mỗi dự án nạo vét sẽ có quy mô vốn (chi phí nạo vét), giá trị sản phẩm thu hồi là khác nhau. Mặt khác, doanh nghiệp có thể tham gia một dự án hoặc nhiều dự án, trong các khoảng thời gian khác nhau... Việc quy định chung một mức ưu đãi đầu tư là không thực sự phù hợp, khó bảo đảm cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Do vậy, đề nghị cân nhắc theo hướng dự thảo Nghị quyết chỉ quy định mức trần và giao cơ quan có thẩm quyền (Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND TP. Cần Thơ) quyết định mức cụ thể cho từng dự án.
Lê Sơn