Giáo viên mầm non làm đủ việc kiếm sống, có người cay đắng bỏ nghề
Xã hội - Ngày đăng : 13:45, 07/01/2022
8 tháng nghỉ dịch, từ một giáo viên mầm non, cô Lê Thị Kim Oanh, giáo viên một trường mầm non tư thục rơi vào cảnh thất nghiệp, ai thuê việc gì thì làm việc đó. “Họ thuê mình hái rau, dọn nhà. Từ đầu đợt dịch đến giờ cũng dọn được 4-5 nhà, người ta thuê mỗi lần 300 nghìn đồng/lần. Dọn tất cả các tầng, nhà vệ sinh, lau kính. Có hôm nhà nào nhiều ngóc ngách thì dọn từ 10h sáng đến 3h chiều”, cô Oanh chia sẻ.
Lay lắt bám trụ với nghề
Là giáo viên mầm non ở Đà Nẵng nhưng 1 năm nay cô theo chồng chuyển ra Hà Nội sống và xin làm việc ở một trường mầm non tư thục ở Đông Anh.
Căn phòng trọ công nhân bé đến nỗi chỉ đặt đủ 1 chiếc giường, cô Oanh “lùa” các con vào phòng để mình và phóng viên đứng bên hành lang rộng cỡ sải tay người lớn. Thỉnh thoảng, tiếng trẻ con khóc cười, nghịch ngợm xé tan cuộc trò chuyện.
Ngoài con đầu học lớp 5 đang gửi ông bà ở Đà Nẵng, vợ chồng cô Oanh sống cùng 3 con nhỏ, cháu út năm nay mới 15 tháng tuổi. Cuộc sống vốn khó khăn nhưng chưa bao giờ cô Oanh rơi vào cảnh bế tắc như bây giờ. Cuối tháng 6, chồng cô – công nhân ở Vân Nội không may gặp tai nạn giao thông.
Cô Oanh hằng đêm vẫn “giấu nước mắt vào trong” vì những khoản nợ khi nghỉ dịch COVID-19.
“Từ ngày chồng bị tai nạn, tôi đã vay 70 triệu đồng. Tiền phòng trọ nợ chủ nhà cũng 7-8 triệu chưa trả. Tháng 11 này chồng mới bắt đầu đi làm lại nhưng không thể làm 12 tiếng như trước, cũng không thể tăng ca. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt, tiền học cho con, tiền sữa, tiền tã, bỉm và cả tiền thuốc vẫn cần phải chi. Tối nằm xuống là khóc, đến giờ mắt kém hẳn đi”, cô Oanh bật khóc.
Cách đó mấy số nhà, căn phòng trọ 20m2 của cô giáo Nguyễn Thị Hằng – giáo viên trường mầm non tư thục Toàn Cầu rộn rã tiếng trẻ con. Sau 4 tháng thất nghiệp, giờ đây cô Hằng cũng có việc mới là trông trẻ.
“Hết giãn cách, có 2 phụ huynh gần nhà nhờ tôi trông hộ, thu 75 nghìn đồng/cháu/ ngày để duy trì cuộc sống chứ trước đó cũng tính đi làm công nhân thời vụ rồi. Làm công nhân thì việc làm ổn định hơn mà thu nhập cũng được”, cô Hằng cho biết.
Trước dịch, với đồng lương giáo viên từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng. Cùng với việc làm thêm cho một Trung tâm tiếng Anh, 2 mẹ con nương tựa vào nhau vẫn ổn. Dịch ập đến, thu nhập là con số 0, cô đành gửi con gái về Lâm Đồng cho ông bà trông hộ. Cô Hằng kể trong cay đắng “từ khi ra trường, làm trong ngành mầm non từ 2019, chưa bao giờ phải ngửa tay xin trợ cấp từ bố mẹ như bây giờ.
“Khi còn giãn cách xã hội, bố mẹ tôi phải trợ cấp tiền nhà trọ, ăn uống cho 2 mẹ con, mỗi tháng 5 triệu đồng. Cô dì chú bác ở quê cũng gửi đồ ăn. Cảm thấy vô dụng. Cả năm đi làm có 2 tháng, lần đầu tiên cảm thấy hoang mang, nghĩ không biết nên theo nghề hay đổi sang nghề ổn định lâu dài hơn dù mình cũng còn rất tâm huyết”.
Trong căn nhà trọ thuê đã 6 -7 năm nay ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, cô Nguyễn Thị Phương Thảo, 49 tuổi chỉ dám nhận trông vài ba học sinh con em công nhân để có thu nhập duy trì cuộc sống trong dịch COVID-19.
Công tác trong ngành mầm non hơn 20 năm, từng làm ở vị trí quản lý nhưng khi dịch ập đến cô Thảo phải làm đủ việc, từ làm nem, làm măng cho đến đan len, dệt thảm mang ra chợ bán nhưng thu nhập chẳng được là bao.
Đồng lương giáo viên 5 triệu rưỡi/tháng dù không nhiều nhưng là tất cả với cô Thảo, nay vì dịch COVID-19 cũng đã không còn. Cô muốn bứt phá, chuyển ngành nhưng ở cái tuổi ngũ tuần tìm một công việc mới không hề đơn giản.
“Giờ rất muốn làm công việc khác, cũng muốn làm công nhân thời vụ nhưng tuổi cao nên công ty họ không nhận. Nếu trông trẻ được bên Hà Nội thì tốt nhưng để làm được thì phải có chung cư, mà giờ thuê chung cư cũng phải 4-5 triệu/tháng, tôi không kham nổi”.
Cầm cự để chờ ngày trường học mở cửa, chưa lúc nào cô Thảo lung lay với lựa chọn nghề nghiệp của mình như bây giờ. “Cứ nghĩ mở mắt ra là lo lắng sang tháng có tiền nhà, tiền sinh hoạt để trả hay không, nghĩ tủi thân, tại sao lại đi mầm non, yêu nghề thì yêu nhưng từ dịch đến nghĩ nản, chán”.
Nhẩm tính về tương lai, cô Hằng tự vấn, không biết chọn nghề này đúng hay sai. Nếu hết năm nay mà trường mầm non vẫn thông báo nghỉ thì mình sẽ tìm công việc khác, có thể là công nhân, có thể xin làm văn phòng chứ không thể nhận trợ cấp từ người thân mãi.
Người dứt áo ra đi
7h sáng, thay vì đến trường đón trẻ mầm non như trước đây, cô Bùi Thị Tuyết có mặt ở cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nhập hàng, kiểm hàng, báo cáo doanh thu, bán hàng cho khách... Đây không phải là công việc chuyên môn nhưng cô Tuyết đã khá thành thạo. Cách đây 2 tháng, sau dòng tin nhắn “xin nghỉ việc” gửi đến chủ trường, cô quyết định “dứt áo ra đi” vì không thể chờ đợi ngày trường học mở cửa trở lại.
Cô Tuyết vốn là giáo viên Trường mầm non thư thục Toàn Cầu, Đông Anh, Hà Nội. Nghỉ việc, cô bảo tiếc 3 năm ăn học, cũng đã quen trẻ, quen trường nhưng tiếp tục thì không ổn.
“Mặc dù cũng yêu nghề nhưng nghỉ đến nay đã gần một năm rồi nên bố mẹ và chồng khuyên đi bán hàng còn có đồng ra đồng, vừa bán vừa trông con. Mà sau này có tiếp tục theo nghề thì đồng lương giáo viên mầm non chỉ đủ nuôi bản thân mình", cô Tuyết day dứt.
Hỏi có muốn tiếp tục với nghề khi trường học mở cửa, cô lắc đầu “đang kinh doanh ổn định rồi nên không có ý định quay lại nghề cũ.
Nỗi lo thiếu giáo viên mầm non sau dịch
Không chỉ giáo viên mầm non, nhiều chủ trường tư thục cũng rơi vào cảnh túng quẫn sau 2 năm COVID-19 hoành hành.
“Tôi là chủ trường mầm non mà suốt năm qua còn đi muối sung, muối cà, làm ruốc, pate, làm tất cả mọi việc từ bán hàng trên mạng huống chi là các cô giáo. Nhiều người cười bảo chủ trường gì mà cứ đi làm ruốc bán. Tôi cứ nuôi hy vọng 1-2 tháng dịch sẽ qua đi nhưng hết bao nhiêu lần như vậy rồi. Sang năm mà trường học vẫn đóng cửa, tôi cũng sẽ phải đi tìm việc”, bà Hà Thị Nhàn, Chủ nhóm trẻ Trăng Non, Đông Anh, Hà Nội cho biết.
Biết các cô khó khăn nhưng chính chủ trường cũng kiệt quệ, không thể hỗ trợ. “Có cô bán rau, củ, có cô xin làm khu công nghiệp nhưng giáo viên đã đóng bảo hiểm người ta không nhận, họ chỉ cho cô làm 6 tháng, thậm chí có cô làm được 1-2 tháng xin nghỉ, có cô làm tận 5-6 nơi rồi”.
Sự dịch chuyển nghề nghiệp của giáo viên mầm non do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang là nỗi lo lớn của các chủ trường mầm non. Bà Hà Thị Nhàn cho hay, nhóm trẻ Trăng Non có 7 giáo viên nhưng đến nay đã có 1 cô xin chấm dứt hợp đồng. Những người còn lại đều đã đi làm việc khác chờ ngày trường học mở cửa. Nếu cứ đà này, danh sách giáo viên xin nghỉ việc sẽ tiếp tục kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hậu COVID-19, đặc biệt ở các khu công nghiệp với hơn 90% là con em công nhân.
“Nhóm trẻ của chúng tôi chủ yếu trông cho các gia đình công nhân làm ca kíp, Trước kia chúng tôi trông cả đêm, có thời điểm 4-5 trẻ ngủ cùng buổi tối, có trẻ gửi đến 9-10h đêm, có trẻ gửi từ 5h sáng. Mặc dù ở đây cũng có trường công lập nhưng công nhân không thể gửi được như vậy”, bà Nhàn chia sẻ.
Lo thiếu giáo viên hậu COVID-19, nhiều nhóm trẻ, trường mầm non tư thục ở khu vực Đông Anh đã tuyển giáo viên ngay từ lúc trường học đang đóng cửa.
“Sau COVID-19, chắc chắn sẽ thiếu giáo viên vì họ nghỉ việc nhưng số lượng học sinh cũng sẽ vắng nhiều, nhưng hiện chúng tôi chưa nắm được được học sinh nghỉ là bao nhiêu cháu. Bên nhóm trẻ Thỏ Bông vì nghỉ mấy cô nên đang nhờ tôi tuyển giúp. Chủ nhóm có nhà trọ cho thuê nên đã đăng tuyển giáo viên với điều kiện lo cho các cô nơi ăn ở, hỗ trợ ưu đãi để thu hút giáo viên”, bà Nhàn cho biết.
Ngày 11/11, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cơ sở giáo dục, đặc biệt bậc mầm non, để các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước dịch bệnh hệ thống các trường tư thục, đặc biệt hệ thống các trường tư thục mầm non đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các trường tư thục mầm non hiện đảm nhiệm việc nuôi dạy 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường. Có 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở gồm cả trường mầm non và nhóm trẻ.
Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều người lao động phải chuyển sang làm công việc khác.
"1,2 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non đang có nguy cơ không có chỗ học, phụ huynh không có người trông con ảnh hưởng đến nhân lực. Đây là con số không nhỏ", Bộ trưởng đánh giá.
Trước nguy cơ này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đã tính toán, có cơ sở dữ liệu đầy đủ số lao động bị ảnh hưởng để xây dựng phương án, đề xuất gói hỗ trợ trên 800 tỷ đồng trình Chính phủ. Trong đó đề xuất cơ chế hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ thuế và các điều kiện hỗ trợ khác.