Ứng dụng blockchain và chữ ký số giải bài toán xác thực văn bằng, chứng chỉ

Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:12, 07/01/2022

Cổng thông tin xác thực văn bằng ứng dụng blockchain và chữ ký số hiện đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng tại địa chỉ vanbang.ptit.edu.vn. Nhóm phát triển cho biết, sẵn sàng chia sẻ giải pháp cho các đơn vị đào tạo khác sử dụng.

Giải pháp công nghệ hỗ trợ phát hiện văn bằng, chứng chỉ giả

Hiện nay, tình trạng buôn bán, sử dụng chứng chỉ hay bằng cấp giả đã và đang là một vấn nạn của xã hội. Các cơ quan, tổ chức đều đang phải đối mặt với bài toán nan giải này trong quá trình tuyển dụng. Điều đáng báo động chỉ trong vài năm trở lại đây, đã có hàng chục nghìn bằng cấp, chứng chỉ giả đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Mặt khác, theo chia sẻ của đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), trung bình mỗi năm đơn vị này tiếp nhận hàng nghìn yêu cầu xác thực văn bằng từ các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi nguồn lực và thời gian không nhỏ của Học viện, từ việc tra cứu trong sổ văn bằng gốc đến phúc đáp yêu cầu cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bằng văn bản.

Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu thuộc PTIT đã kết hợp với Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của CMC phát triển Cổng thông tin xác thực văn bằng, chứng chỉ ứng dụng công nghệ blockchain và chữ ký số. Giải pháp hướng tới mục tiêu kép là có thể xác thực được nguồn gốc văn bằng và đảm bảo tính pháp lý.

Ứng dụng blockchain và chữ ký số giải bài toán xác thực văn bằng, chứng chỉ
Sử dụng giải pháp này, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và người dân có thể dễ dàng tra cứu và xác thực văn bằng mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính.

Trao đổi với ICTnews, đại diện nhóm nghiên cứu giải pháp cho biết, đến nay 1 số đơn vị đã triển khai ứng dụng blockchain trong quản lý văn bằng nhưng không được pháp luật thừa nhận về tính pháp lý, vì thế việc xác thực không thể thực hiện được.

“Điểm khác biệt của giải pháp Cổng thông tin xác thực văn bằng, chứng chỉ ứng dụng công nghệ blockchain và chữ ký số chính là tích hợp chữ ký số được cung cấp bởi Ban cơ yếu Chính phủ vào toàn bộ quy trình quản lý văn bằng chứng chỉ. Nhờ vậy, đảm bảo tính pháp lý trong việc xác thực. Cùng với đó, công nghệ blockchain được sử dụng theo đúng tính chất phân tán, mỗi 1 trường là 1 thành phần của hệ thống và có thể dễ dàng triển khai hệ thống sau 2 tiếng”, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.

Hướng tới trở thành Cổng văn bản, chứng chỉ quốc gia

Ở thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện và đưa vào vận hành Cổng thông tin xác thực văn bản, chứng chỉ trên môi trường số ứng dụng công nghệ blockchain và chữ ký số tại địa chỉ vanbang.ptit.edu.vn.

Với hệ thống này, văn bằng bản PDF được ký số bằng chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để bảo đảm tính pháp lý, có thể xác thực bằng các phần mềm của nước ngoài như Acrobat, Foxit... thông tin văn bằng và phụ lục văn bằng dưới dạng metadata (siêu dữ liệu) được lưu trong blockchain dưới dạng JSON cũng được ký số để bảo đảm tính pháp lý.

Khi tra cứu thông tin quá trình phát hành văn bằng được thể hiện bằng giao dịch (tx) cụ thể kèm ngày giờ và tham chiếu trong sổ cái Explore, bảo đảm tính toàn vẹn và không sửa, xóa lịch sử cấp phát văn bằng chứng chỉ bằng blockchain.

Sinh viên, ứng viên và các nhà tuyển dụng lao động có thể kiểm tra, tìm kiếm bằng QR Code hay bằng họ tên, mã văn bằng. Thông tin tìm được bảo đảm tính pháp lý bằng chữ ký số và bảo đảm tính toàn vẹn của lịch sử cấp phát văn bằng chứng chỉ bằng blockchain.

Ngoài ra, một trong những điểm đột phá của giải pháp là việc phát triển hệ thống ký số trực tiếp theo lô và trên dữ liệu dạng JSON theo chuẩn thế giới RFS7515 mà hiện tại Việt Nam chưa đưa vào sử dụng. Việc sử dụng chuẩn thế giới RFS7515 trong ký số JSON giúp các cơ sở đào tạo có thể xác thực cả nội dung các phụ lục của văn bằng; giúp cho các nhà tuyển dụng, tổ chức, doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin hơn về văn bằng cần tra cứu.

Ứng dụng blockchain và chữ ký số giải bài toán xác thực văn bằng, chứng chỉ
Hình ảnh nội dung văn bằng trên hệ thống.

Giải pháp của nhóm nghiên cứu thuộc PTIT đã đáp ứng được 2 yêu cầu, đó là: Phát triển hệ thống có tính pháp lý để đảm bảo rằng việc xác thực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được diễn ra hoàn toàn trên môi trường mạng; đã xây dựng thành công 1 nền tảng xác thực văn bằng quốc gia, không chỉ dừng lại dành cho Học viện.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nền tảng xác thực văn bằng, chứng chỉ này cho các đơn vị đào tạo sử dụng, với mục tiêu hướng tới là trở thành 1 cổng xác thực văn bằng quốc gia”, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, PTIT cũng dự định sẽ số hóa toàn bộ văn bằng, chứng chỉ của trường để đưa lên hệ thống, Với định hướng trở thành trường đại học số đầu tiên, PTIT còn đã và đang tiếp tục từng bước phát triển, triển khai chứng nhận số, định hướng xây dựng một hệ thống quản lý và cấp phát văn bằng số trong tương lai.

Vân Anh