Phân cấp mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc-Nam phía đông

Xã hội - Ngày đăng : 18:53, 06/01/2022

Chiều 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương xây dựng dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông với việc kiến nghị cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, thời gian đầu tư xây dựng tuyến cao tốc quan trọng này, đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra, chống tham nhũng, thất thoát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Có sự thống nhất, đồng lòng thì công việc mới suôn sẻ hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Phải chấm dứt tình trạng 'bán thầu'

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư dự án bằng ngân sách Nhà nước để sớm triển khai hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tập trung vào các dự án chưa triển khai và thúc đẩy các dự án đang triển khai.

Để làm tốt những dự án đang và sắp triển khai, Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, như quy hoạch, thiết kế... đi liền với công tác giải phóng mặt bằng, trong đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa, mà trước hết phải tổ chức tốt nơi tái định cư cho người dân.

Nhấn mạnh việc chống thất thoát, lãng phí trong thực hiện các dự án các tuyến cao tốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, thiết bị thi công. Song song với đó phải chấm dứt tình trạng “bán thầu”: "Nhiều đơn vị nhận được gói thầu, sau đó bán lại cho đơn vị khác, qua nhiều bước trung gian. Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có một số gói do bán thầu, nên định mức vật tư bị ảnh hưởng, dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc”.

Chủ tịch nước cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra theo đúng yêu cầu thiết kế dự án, không thể buông lỏng để chống thất thoát. Muốn thực hiện nhanh dự án cần có cơ chế khi dự án là vốn Nhà nước tập trung, nếu giao một số dự án cho địa phương thì dễ xảy ra nhiều vấn đề trong khớp nối, chất lượng và kinh nghiệm thi công.

Chính phủ, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về những vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ, khớp nối các dự án thành phần. Quá trình đấu thầu phải lựa chọn đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát có thể xảy ra thông qua việc chỉ định thầu. Tất cả những cách làm này bảo đảm quá trình liên tục, đồng thuận, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có yêu cầu về vật liệu xây dựng của các dự án.

“Việc làm cao tốc Bắc-Nam là yêu cầu cần thiết cho phát triển đất nước, mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với các cơ chế giám sát của Quốc hội một cách cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện để có sự chủ động, nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nơi ở mới của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ

Phát biểu về chủ trương xây dựng dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc xây dựng đường cao tốc lâu nay còn chậm. Do đó, Chính phủ đang tổng kết nghiêm túc để xem xét nguyên nhân là do chủ trương, chính sách, hay tổ chức thực hiện. Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ là phải hoàn thành đường cao tốc.

Vì thế, nên tháo gỡ cơ chế, chính sách, thể chế và tổ chức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm chất lượng, chống được tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, tham nhũng trong việc thực hiện dự án này.

Các địa phương đề nghị phân cấp về giao thông, chuyển đổi đất lúa, đất rừng. Do đó, phải tiếp tục rà soát phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát cùng với bố trí nguồn lực, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thủ tướng cho rằng, Bộ GTVT vẫn còn ì ạch trong việc triển khai các dự án. Nay công việc gấp đôi, thời gian không tăng, đòi hỏi phải làm nhanh, nhưng bảo đảm chất lượng, chống được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, Thủ tướng nhấn mạnh đây luôn là bài toán khó. Bởi có nơi làm tốt, nơi chưa tốt, trong khi tuyến đường trải dài hơn 700 km đi qua nhiều tỉnh, thành phố nên sẽ có cách làm khác nhau. Vì thế, phải có giải pháp để có sự thống nhất tương đối, đảm bảo nguyên tắc vừa giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư, nhất là đối với những tỉnh, thành phố tương đối giống nhau, tỉnh giáp ranh... để làm sao bảo đảm cuộc sống nơi ở mới của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Trên cơ sở Quốc hội thông qua rồi, Chính phủ và các địa phương theo thẩm quyền thực hiện thống nhất, bảo đảm dự án không có khiếu kiện, mất trật tự an toàn xã hội, công bằng, cuộc sống của người dân tốt hơn cũ. Chính quyền các cấp phải vào cuộc, với sự chỉ đạo của Đảng, giám sát của HĐND, vận động người dân ủng hộ. Khi có sự thống nhất, đồng lòng của cộng đồng thì công việc suôn sẻ hơn...

Đại biểu Trần Văn Khải: Cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc-Nam phía đông. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Cần cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư xây dựng cao tốc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Trần Văn Khải cho biết, để đẩy nhanh tiến độ cao tốc, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 52 năm 2017 về cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư, căn cứ quy mô từng dự án thành phần theo quy định của Luật Đầu tư công.

Theo đó, Bộ GTVT đã thực hiện thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư với toàn bộ 11 dự án thành phần có quy mô dự án nhóm A (dưới 10.000 tỷ đồng), qua đó đã đẩy nhanh được tiến độ dự án.

Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư dự án thành phần tại Tờ trình số 568 của Chính phủ có 10/12 dự án thành phần có quy mô là dự án quan trọng quốc gia (tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng), chỉ có 2 dự án có quy mô dưới 10.000 tỷ đồng. “Như vậy, nếu được áp dụng cơ chế tương tự như tại Nghị quyết 52 của Quốc hội năm 2017 thì Bộ GTVT cũng chỉ thực hiện thẩm định, phê duyệt dự án đối với 2 dự án nhóm A, còn lại 10 dự án trình Thủ tướng Chính phủ”.

Theo quy định, dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước với thời gian tối đa 90 ngày. Đồng thời, Bộ GTVT vẫn phải tổ chức thẩm định nội bộ trước khi trình Hội đồng thẩm định Nhà nước. Việc thực hiện các thủ tục nêu trên sẽ kéo dài thời gian thực hiện, trong khi theo báo cáo của Chính phủ, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án đường bộ cao tốc khoảng 3 năm. Để đẩy nhanh tiến độ dự án cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn các thủ tục đầu tư xây dựng.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Quốc hội xem xét phân cấp từ Chính phủ cho Bộ GTVT trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội thể hiện sự đồng tình với hồ sơ và tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án này và tán thành với tiến độ và mục tiêu Chính phủ đặt ra đối với dự án này.

Đại biểu đề nghị xem xét cho dự án này một chính sách đặc thù, đó là trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần thực hiện tương tự dự án nhóm A theo quy định của pháp luật đầu tư công. Có như vậy mới rút ngắn được thời gian và thực hiện được.

Nguồn vốn này là từ tiền thuế của nhân dân thì phải chi có hiệu quả, minh bạch và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Nhưng trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội ở đây không thấy những giải pháp có thể để phòng chống giải quyết. Cần bổ sung cá thể hóa và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu để dự án chậm tiến độ, hoặc giải ngân không đảm bảo theo quy định.

Ngoài chính sách đặc thù với các dự án thành phần đã đề xuất, cũng cần xem xét một số chính sách đặc thù mang tính thí điểm cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 về chỉ định thầu, tái định cư, xây lắp, khai thác đất mỏ, công nghệ mới, vật liệu mới để phục vụ cho dự án. Nếu tốt ta nhân ra các dự án đường cao tốc khác.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TPHCM) đồng tình với việc có cơ chế đặc thù cho dự án này nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai dự án như cơ chế về lựa chọn nhà thầu tư vấn xây lắp, khai thác vật tư, vật liệu xây dựng thông thường.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn vấn đề pháp lý đặt ra thời gian thực hiện chỉ trong 2 năm 2022 và 2023, trong khi dự án thực hiện đến 2025. Như vậy, trong trường hợp Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án không có nội dung về cơ chế đặc thù, trong khi việc áp dụng các chính sách này có thể cần kéo dài đến năm 2025, thì sẽ không có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, khi đó Chính phủ sẽ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

“Để chủ động hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho dự án, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát bổ sung vào dự thảo Nghị quyết phê duyệt dự án một số cơ chế đặc thù cần thiết, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp này”, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất.

Lê Sơn